Nhiều doanh nghiệp không đạt được kỳ vọng khi chuyển đổi số
Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra nhiều thách thức khi có nhiều doanh nghiệp đã không đạt được kỳ vọng khi tiến hành chuyển đổi số.
Đó là thông tin tại Diễn đàn Dịch vụ tài chính và Ngân hàng mở 2022, do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 17/6 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia, hoạt động đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số đang được triển khai mạnh mẽ trong ngành dịch vụ tài chính Việt Nam. Về sự phát triển của ngân hàng mở, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai hoạt động Open Banking (ngân hàng mở) ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong năm 2019, một vài ngân hàng đã cho ra mắt các nền tảng giao diện lập trình ứng dụng (API) để có thể kết nối với các đối tác trong cùng một hệ sinh thái.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, nhờ vào các sản phẩm công nghệ như định danh khách hàng điện tử (eKYC) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) mà các tài khoản giao dịch chứng khoán tăng nhanh.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 30/4/2021, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới 232.328 tài khoản chứng khoán. Trong đó các nhà đầu tư cá nhân mở mới 231.782 tài khoản. Số lượng tài khoản do nhà đầu tư tổ chức mở là 178, lũy kế đạt 13.670 tài khoản.
Còn ở ngành bảo hiểm, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16,71% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3,98% so với cùng kỳ 2020; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Những số liệu trên cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính số đang được đầu tư và đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam khá nhiều.
Các dịch vụ tài chính số là lĩnh vực còn mới, nên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn dẫn tới kìm hãm sự phát triển, công tác quản lý, giám sát hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái tài chính số còn nhiều hạn chế.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc còn nhiều doanh nghiệp thất bại trong quá trình chuyển đổi số đó là do chưa nhận thức đầy đủ và toàn diện về chuyển đổi số.
Bởi chuyển đổi số không chỉ ở ứng dụng công nghệ mà còn phải là thay đổi tư duy, doanh nghiệp phải đồng thời chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi kinh doanh và chuyển đổi mô hình quản trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số và không huy được động được nguồn nhân lực tài năng.
Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng đang thay đổi một cách chóng mặt. Người tiêu dùng nhận thức được rằng họ có quyền thay đổi các dịch vụ tài chính dành cho mình, họ muốn cá nhân hóa từng dịch vụ cùng với nhu cầu sử dụng dịch vụ theo thời gian thực 24/7…
Những đòi hỏi này của khách hàng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp bắt buộc phải đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tồn tại.
Để chuyển đổi số thành công, bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của akaBot (FPT Software) khuyến nghị, một trong những việc quan trọng mà doanh nghiệp cần phải thay đổi, đó chính là chiến lược quản trị thay đổi. Không chờ thay đổi đến để đáp ứng, mà cần chủ động dẫn dắt và quy hoạch mọi sự thay đổi.