(DNVN) - Mặc dù đã được nhắc đến trong Luật Doanh nghiệp 2014, nhưng một số quy định vẫn chưa đủ sức giúp các doanh nghiệp xã hội hoạt động dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp cần các chính sách cụ thể, có thể gọi tên được.
Theo báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), doanh nghiệp xã hội (DNXH) là doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cộng đồng tham gia thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường (vì lợi ích cộng đồng), ví dụ như các tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động phục vụ nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nhóm người dễ bị tổn thương. Hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mô hình kinh doanh hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản khiến DNXH khó có thể phát triển tại địa phương. Vấn đề vốn là khó khăn lớn nhất, phụ thuộc nhiều vào các nhà tài trợ; nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ cũng như kỹ năng; khó khăn trong tiếp cận thị trường; quản trị doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc về trình độ quản lý, kỹ năng và trình độ trong xây dựng chiến lược, kế hoạch; rào cản về thủ tục hành chính... Đặc biệt là nhận thức chung của xã hội về DNXH còn hạn chế, bởi nói đến DNXH không phải ai cũng biết và thực sự hiểu.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết: DNXH đã xuất hiện trong một thời gian dài nhưng gần đây mới được biết tới như là một cách tiếp cận sáng tạo và có định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội. Có thể kể tới 3 đóng góp to lớn mà các DNXH mang lại cho cộng đồng đó là: Đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội mà hiện giờ chưa được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, thể chế tài chính chưa chú ý tới như vấn đề năng lượng mới, vấn đề xử lý rác thải môi trường; hòa nhập cộng đồng những người yếu thế, những người nghèo. Nhưng cho tới nay quy mô doanh nghiệp, hộ kinh doanh đa số là nhỏ, kinh doanh manh mún; vốn nhân lực, khoa học, quản trị… năng lực cạnh tranh hạn chế… Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp này còn phân tán; quy mô nhỏ; trong nhiều trường hợp chưa thiết thực.
Bên cạnh đó, với đặc thù là doanh nghiệp cộng đồng, do những người địa phương tự tổ chức, việc hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là vô cùng khó khăn. Thậm chí, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP cho biết còn có tình trạng chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt của nhiều chủ doanh nghiệp cộng đồng. Do đó, sẽ không thể đưa họ đến một lớp đào tạo do các giảng viên đại học dạy như các doanh nghiệp khác. Họ cần sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, pháp lý, về kinh doanh, bán hàng theo đúng nghĩa là cầm tay chỉ việc. Thậm chí, ngay cả với các doanh nghiệp lớn hơn, việc bắt họ tính toán lợi nhuận để lại cho hoạt động xã hội cũng không đơn giản, nhất là khi trong Luật Doanh nghiệp không làm rõ căn cứ trên lợi nhuận trước thuế hay sau thuế…
Theo bà Oanh, điều này cũng lý giải, tại sao cho tới thời điểm này, sau hơn 4 năm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, mới có 54 doanh nghiệp xã hội đăng ký theo luật này. Con số đó còn rất nhỏ so với khoảng 50.000 doanh nghiệp có tác động xã hội theo nghĩa rộng mà Báo cáo Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam do Đại học Kinh tế quốc dân và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Tẩn Thị Su, Giám đốc doanh nghiệp xã hội du lịch Sapa O’Chau chia sẻ về những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc phát triển DNXH tại địa phương. Bà Su cho biết, doanh nghiệp của bà nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức trong nước; là doanh nghiệp địa phương và do người địa phương làm chủ nên am hiểu về bản sắc văn hóa và phong tục địa phương. Hơn nữa, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai nói riêng và các nước nói chung còn rất lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương, đặc biệt tại các vùng nông thôn phát triển.
Ngược lại, ngôn ngữ là rào cản rất lớn đối với bà con dân tộc dẫn đến khó tiếp cận chính sách của Nhà nước mặc dù đã nhận được nhiều quan tâm; doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn thông tin và còn nhiều bỡ ngỡ về thủ tục vay vốn; thủ tục pháp lý còn rắc rối và DN không biết tìm đến đâu để được giải thích rõ ràng; khó tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển... Những nhà đầu tư từ bên ngoài đến ồ ạt trong khi nội lực địa phương (người dân, chính quyền...) chưa sẵn sàng, dẫn tới thiếu kỹ năng việc làm, người lao động nhập cư quá mức, phá vỡ sự cân bằng của cộng đồng...
Bởi vậy, bà Su đưa ra đề xuất cần thiết lập ban tư vấn (cấp tỉnh hoặc cấp huyện) dành cho các doanh nghiệp nhỏ và các mô hình khởi nghiệp tại cộng đồng; tạo nhiều hơn những chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, mức cho vay phải hợp lý mới kinh doanh hiệu quả, tránh lãng phí vốn nhà nước; có thêm những chương trình học hỏi, đào tạo năng lực chuyên sâu (tư vấn đồng hành, cầm tay chỉ việc...) cho các doanh nghiệp và người dân...
Trước những khó khăn trên đối với doanh nghiệp xã hội, CIEM đề xuất cần sửa đổi khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội tại Luật doanh nghiệp; đồng thời, mở rộng khái niệm doanh nghiệp xã hội sang các pháp luật kinh doanh khác; hoàn thiện các quy định hướng dẫn thực thi các quy định liên quan đến doanh nghiệp xã hội; đơn giản hóa các thủ tục hành chính với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xã hội.