Doanh nhân Hồ Hùng Anh: Từ kinh doanh mì gói, tương ớt sang tỷ phú đô la đầu tiên ngành ngân hàng
Từ doanh nhân kinh doanh tương ớt và mì gói
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Hồ Hùng Anh đã có thành tích học tập rất xuất sắc. Tuy vậy quá trình khởi nghiệp của ông chỉ bắt đầu sau khi ông du học tại Liên Bang Nga. Mì gói và tương ớt là 2 sản phẩm được ông lựa chọn kinh doanh.
Nhờ vào khả năng phán đoán chính xác và nhạy bén với thị trường, 2 mặt hàng này đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nhân Hồ Hùng Anh. Từ 1994 – 1997, ông trở thành Giám đốc công ty SANMEX tại Liên Bang Nga.
Trên chặng đường khởi nghiệp của mình, ông Hồ Hùng Anh luôn có người bạn thân sát cánh là ông Nguyễn Đăng Quang – hiện là Chủ tịch của tập đoàn Masan. Chính ông và ông Nguyễn Đăng Quang đã thành lập nên Công ty Masan Rus Trading.
Giai đoạn từ tháng 3/1997 đến tháng 6/2004, ông Hồ Hùng Anh giữ chức Tổng Giám đốc công ty Masan Rus Trading tại Nga. Ông và người bạn của mình đã trở thành những đối tác kinh doanh chiến lược, cùng buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các nước Đông Âu và Việt Nam và cũng nằm trong số những gương mặt thành công nhất của nhóm doanh nhân người Việt khởi nghiệp tại Nga.
… đến tỷ phú đô la đầu tiên ngành ngân hàng
Sau một thời gian dài hoạt động tại Đông Âu, ông Hồ Hùng Anh quyết định trở về Việt Nam. Dù vậy ông vẫn tiếp tục hỗ trợ và xây dựng tập đoàn Masan cùng ông Quang. Vị doanh nhân này giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan, CTCP Hàng tiêu dùng Masan và CTCP Masan.
Đến năm 2005, ông Hồ Hùng Anh tham gia vào hội đồng quản trị ngân hàng Techcombank. Sau đó 3 năm (tháng 5/2008) ông được bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Đến đầu năm 2018, ông Hồ Hùng Anh quyết định rời khỏi Masan để tập trung phát triển Techcombank sau thời gian dài gắn bó. Quyết định này được đưa ra để đảm bảo với quy định các nhân viên không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp. Đến tháng 5/2018, ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Khi nắm quyền điều hành, ông Hồ Hùng Anh đã và đang thay đổi cách vận hành công ty để phù hợp thị trường.
Trong cuộc họp hội đồng cổ đông, ông cho biết sẽ lựa chọn khách hàng, không cần số lượng, chỉ cần chất lượng. Ông cho biết rằng việc tập trung vào những khách hàng tiềm năng, uy tín sẽ tạo ra các sản phẩm uy tín, đủ khả năng cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm. Việc chú trọng trong việc lựa chọn khách hàng đúng với yêu cầu sẽ đảm bảo được việc kiểm soát rủi ro. Nhờ vào tư duy lãnh đạo khác biệt, ông đã đưa Techcombank trở thành một trong những ngân hàng lớn của Việt Nam.
Tháng 2/2019, Hồ Hùng Anh có tên trong danh sách 5 tỷ phú USD người Việt Nam của tạp chí Forbes.
Đến tháng 4/2011, ông nắm thêm chức vị Chủ tịch HĐTV CTCP Quản lý Quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital). và từ tháng 10/1013 là thành viên HĐTV của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities).
Sau hơn 10 năm dẫn dắt, ông đã đưa Techcombank đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam đạt mức lợi nhuận sau thuế đến 10.000 tỷ đồng. Đến năm 2018, tròn 10 năm ông gia nhập ngân hàng thì lợi nhuận trước thuế của tổ chức tín dụng này đạt được là 10.661 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này tăng 86% so với năm 2013, xếp thứ 2 trong các ngân hàng tại Việt Nam chỉ đứng sau ngân hàng Vietcombank.
Người thân đều nắm trong tay lượng cổ phiếu lớn của Techcombank
Hồ Hùng Anh có vợ là Nguyễn Thị Thanh Thủy cùng ba người con là: Hồ Anh Minh, Hồ Minh Anh và Hồ Thủy Anh. Mẹ là Nguyễn Thị Thanh Tâm và em trai là Hồ Ngọc Anh. Tất cả đều là cổ đông lớn ngân hàng Techcombank.
Hiện ông Hồ Hùng Anh nắm khối tài sản hơn 22.000 tỷ trên thị trường chứng khoán. Trong đó có hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 1,1% vốn điều lệ ngân hàng.
Tuy nhiên trong gia đình vị tỷ phú này, mẹ ruột và vợ ông Hồ Hùng Anh mới là những người nắm giữ lượng cổ phiếu TCB nhiều nhất với cùng hơn 174 triệu cổ phiếu (4,95% vốn điều lệ).
Tiếp đến, con trai ông Hồ Hùng Anh là Hồ Anh Minh sở hữu gần 138 triệu cổ phiếu TCB. Mới đây, trong khoảng thời gian từ ngày 5 - 8/9, con gái Hồ Thủy Anh mua thêm 82,2 triệu cổ phiếu TCB, nâng tỷ lệ sở hữu lên 104,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,97% vốn.
Với thị giá trung bình những phiên gần đây khoảng 34.500 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản của con trai và con gái Chủ tịch TCB lần lượt là 4.740 tỷ đồng và 3.593 tỷ đồng, đều lọt top người giàu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hiện tại thiếu gia và ái nữ nhà ông Hồ Hùng Anh đều chưa đảm nhận vị trí điều hành trong ngân hàng này.