Doanh nhân Nguyễn Nga với Dự án bảo tồn cải tạo Cầu Long Biên: ‘Lòng tôi như mở hội’
Doanh nhân Nguyễn Nga: Hà Nội trở rét, hoa đào và hải đường bắt đầu chớm nở. Tôi giật mình chợt nhận ra Tết đang đến, cái Tết thứ mười từ ngày tôi dấn thân vào dự án “Bảo tồn cải tạo cầu Long Biên và khu vực liên quan thành phố Hà Nội" và đã mười tháng qua, tôi chưa về Pháp gặp lại các con, các cháu tôi. Lòng tôi đang trùng xuống thì nhận được tin nhắn từ Đại sứ Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài: “ Chị Nga thân mến! Báo chị tin vui.Thủ tướng vừa tiếp tôi. Về dự án cầu Long Biên, Thủ tướng ủng hộ đi dự triển lãm tại Venice Biennale, ủng hộ dự án Bảo tồn cải tạo cầu Long Biên của chị. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ cùng UBND TP.HN bàn với chị và các cơ quan liên quan để triển khai sửa chữa ngay cầu Long Biên; giao cho đại sứ Việt Nam tại Pháp liên hệ với phía Pháp để họ hợp tác,hỗ trợ; đề nghị KTS Nguyễn Nga tìm và vận động các nguồn vốn hỗ trơ cho dự án…Chúc mừng chị nhé!”.
Lòng tôi rạo rực như mở hội. Cuối cùng thì bức thư và dự án của tôi cũng đến tay Thủ tướng, nhờ Đại sứ Phú Bình trực tiếp trình bày.
Tôi báo tin vui đến các bạn là KTS Lê Trương (TTas ) và KTS Hoàng (Eurostyle) để chung tay tổ chức một sự kiện “ Tầm nhìn nào cho cầu Long Biên trong thế kỷ XXI ?” ngày 14/12 vừa qua tại Tòa nhà Eurostyle 77 Nguyễn Thái Học để công bố quyết định của Thủ tướng.
Thật bất ngờ, không chỉ có tôi bị xốn xang mà bè bạn quanh tôi đều choáng ngợp sung sướng. Hơn trăm vị khách quý, các đại sứ, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, rất đông giới truyền thông và các KTS quốc tế cũng bay về để có mặt và có những phát biểu vô cùng cảm động. Thế mới biết, cầu Long Biên đã trở thành hình tượng (icône) và máu thịt của mọi người. Sự kiên trì bảo vệ Dự án của tôi đã phần nào được bù đắp.
Mọi người đều nghĩ rằng, để thực thi Dự án, còn rất nhiều việc phải nỗ lực vượt qua. Xin chị cho biết những kế hoạch thực thi sắp tới, để trong 3 năm (theo dự kiến), người dân Thủ đô có thêm niềm tự hào về “Bảo tàng Ký ức cầu Long Biên” cũng như cơ hội để họ tham gia hàng trăm gói dịch vụ khi Dự án được hoàn thành?
Doanh nhân Nguyễn Nga: Cách đây hơn mười năm, Chính phủ Pháp đã hứa một khoản ODA là 60 triệu Euro để cải tạo cầu Long Biên. Nhưng phía Việt Nam chưa bao giờ chính thức đưa ra một phương án bảo tồn phù hợp, mặc dù tôi đã đề xuất dự án “Bảo tồn cải tạo cầu Long Biên và khu vực liên quan thành phố Hà Nội" từ năm 2008 và đã được phía Pháp rất ủng hộ. Thực tế, phải được Chính phủ Việt Nam có quyết định chính thức về Dự án thì khoản ODA này mới được giải ngân.
Mười năm sau, Việt Nam đã thoát khỏi khối những nước nghèo nên không được quyền nhận ODA nữa. Chúng tôi cũng đã đề xuất làm theo phương thức Công – Tư ( PPP) trong buổi trình bày Dự án ngày 17/06/ 2015 tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với sự hiện diện của các sở, ban, ngành. Chúng tôi cũng đã có các đối tác muốn đầu tư vào dự án và có phương án kỹ thuật để có thể sửa chữa ngay cả khi chưa có cây cầu mới, giao thông chỉ bị gián đoạn thỉnh thoảng, tối đa mỗi lần là 78 giờ.
Nếu Dự án tiền khả thi theo phương thức PPP được duyệt sớm và Chính phủ tạo cơ chế thuận lợi thì tiến độ thực hiện trong 5 năm là không khó.
Chúng tôi cũng mong xin được Chính phủ Pháp giúp phần thiết kế, giám sát thi công và đúc tại Pháp các dầm thép chịu lực và những nhịp cầu đã mất để có được chất lượng đồng bộ và bền vững.
Chúng tôi cũng tính thêm phương án mở bán cổ phiếu để toàn dân có thể tham gia.
Tham dự buổi Gặp gỡ và trao đổi về “Tầm nhìn nào cho cây cầu Long Biên trong thế kỷ XXI”, tôi được chứng kiến sự khâm phục và sẵn sàng đồng hành cùng chị của những người bạn nước ngoài - những KTS nổi tiếng trên thế giới. Chị có thể chia sẻ sự đồng hành của những người bạn tuyệt này của chị?
Doanh nhân Nguyễn Nga: Tham dự buổi Gặp gỡ và trao đổi về “Tầm nhìn nào cho cây cầu Long Biên trong thế kỷ XXI”, có KTS Cara Lee người Mỹ gốc Hàn Quốc, KTS Stephan Mundwiler người Mỹ gốc Thụy Sĩ, KTS cảnh quan Andy Cao người Mỹ gốc Việt và KTS cảnh quan Xavier Perrot người Pháp đều kịp bay về tham dự. Họ là những KTS rất nổi tiếng, đã từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Họ biết đến ý tưởng (concept ) Dự án Bảo tàng cầu Long Biên của tôi đã nhiều năm và rất ngưỡng mộ vì thấy Dự án vừa độc đáo, đương đại và đẳng cấp, vừa mang đủ hồn cốt Việt Nam. Họ muốn chung tay cùng tôi thiết kế chi tiết với những phương pháp và công nghệ hiện đại nhất hiện nay, để quảng bá ra thế giới bằng một mô hình 3D khổ lớn triển lãm 6 tháng tại Venice Biennale 2020, một thành phố trên nước với 400 cây cầu tại Italy, kỳ vọng được thế giới quan tâm, vào cuộc để Dự án sớm trở thành hiện thực và nhanh chóng thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm.
Đặc biệt, trong nhóm của họ có KTS Thom Stauffer, giáo sư ngành kiến trúc của Đại học Ken State/USA (nổi tiếng thời sinh viên biểu tình chống chiến tranh Mỹ, đòi hòa bình cho Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước) cũng ngỏ ý muốn tham dự để cùng làm tái sinh cầu Long Biên thành Bảo tàng ký ức thế kỷ XX, với sự hỗ trợ của giới sinh viên khoa kiến trúc.
Bảo tàng cầu Long Biên/ ký ức thế kỷ XX, khi được thực hiện sẽ là điểm đến tham quan của thế giới và là dấu ấn thiên niên kỷ cho Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình.
Thưa chị, theo đuổi Dự án với những khát vọng và niềm tin không lúc nào vơi cạn, chị phải đi về giữa Pháp và Việt Nam liên tục, điều này có ảnh hưởng gì đến công việc cũng như hạnh phúc gia đình?
Doanh nhân Nguyễn Nga: Giấc mơ nào cũng có cái giá phải trả. Giấc mơ của đời tôi là cứu được cầu Long Biên không bị tháo dỡ để bảo tồn và tôn tạo thành một cây cầu đi bộ - một cây cầu bảo tàng dài nhất thế giới trưng bày bằng các loại hình nghệ thuật, cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài thế kỷ XX để dành lại hòa bình và độc lập là giấc mơ không nhỏ. Cho nên giá phải trả cũng sẽ không thể nhỏ. Nhưng, dù có phải bán tài sản, đánh đổi hạnh phúc gia đình hay một phần sức khỏe và mười năm chiến đấu không ngừng nghỉ thì tôi cũng không bao giờ hối tiếc, vì cây cầu đã thể hiện tinh thần hòa bình của một dân tộc bất khuất, đã không bị tháo dỡ và đã là niềm tự hào của mọi người dân Việt.
Sự hy sinh của chị để theo đuổi Dự án Bảo tồn cải tạo cầu Long Biên là một câu chuyện cảm động đối với bất kỳ ai biết tới chị. Nhân dịp Xuân mới, là một doanh nhân văn hóa, chị nhắn gửi gì tới cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân Việt kiều trong công cuộc dựng xây nước nhà ngày càng hưng thịnh nói chung và xây dựng nền văn hóa Việt Nam vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc nói riêng?
Doanh nhân Nguyễn Nga: Nhân dịp đầu Xuân, tôi xin gửi lời tri ân đến cộng đồng nghệ sĩ, cộng đồng doanh nhân, giới báo chí truyền thông, chuyên gia, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước… đã ủng hộ và động viên tôi, bằng mọi hình thức suốt mười năm qua, từ Longbien Festival 2009 đến nay.
Con đường ở phía trước còn rất nhiều gian nan, nhưng tôi rất lạc quan để mơ rằng chính Bảo tàng cầu Long Biên sẽ là nơi kết nối tất cả chúng ta, kết nối Việt Nam với thế giới vì một Đất Nước Xanh, vì một Dân Tộc Hòa Bình.
Xin trân trọng cảm ơn chị và kính chúc chị luôn tràn đầy năng lượng như mùa Xuân để Dự án Bảo tồn cải tạo cầu Long Biên của chị thực sự tạo điểm nhấn lịch sử văn hóa du lịch kiểu mẫu và cũng là điểm nhấn cho quang cảnh kiến trúc Thủ đô yêu dấu ngàn năm văn hiến!