Các đối tác Đức nghiên cứu đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 13-14/11.
Tối 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz đã tham dự hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Việt Nam và Đức, theo Báo Chính phủ.
Theo thông tin tại hội nghị, liên quan tới mảng đầu tư, Đức có 437 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng đầu tư đạt 2,34 tỷ USD, tăng 2,87 lần so với năm 2010 (đứng thứ 18/141 quốc gia, vùng lãnh thổ và thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU). Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (52,1%) và năng lượng (27,8%). Gần 400 doanh nghiệp Đức, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và phát triển; xây dựng các chương trình hợp tác để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đức đã xác định Việt Nam là đối tác toàn cầu trong chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030. Do đó, Việt Nam mong muốn Đức hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách để tiếp cận, huy động các nguồn tài chính xanh, đặc biệt là của các nước G7 và các thể chế tài chính quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết COP26.
Hiện tại, trong xu thế chuyển đổi xanh rất tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu đầu tư sang Đức, nhất là về năng lượng sạch. Trong khi đó, các đối tác Đức cũng nghiên cứu đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, với nhiều doanh nghiệp Đức và châu Âu, Việt Nam rất quan trọng vì nằm trong mạng lưới kinh tế rất phong phú của châu Á và sức đề kháng của Việt Nam trong thời gian dịch bệnh là rất ấn tượng, với những thế mạnh nổi bật về nguồn nguyên liệu và lao động.
Đức từ lâu đã được biết đến là một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới, là quê hương của hàng loạt thương hiệu ô tô đình đám như Volkswagen, Audi, BMW, Mercedes hay Porsche, theo German Specialists.
Trong bối cảnh ngành ô tô toàn cầu đang đẩy nhanh quá trình điện khí hóa, tập trung vào mảng xe điện thay vì xe xăng, các thương hiệu ô tô của Đức cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Những hãng xe sang của Đức cũng đã cho ra mắt một số mẫu xe điện như Audi e-tron GT, Porsche Taycan Cross Turismo, Mercedes-Benz EQS SUV,…
Về phần mình, thị trường xe điện Việt Nam cũng có ít nhiều mối quan hệ với thị trường Đức, trong đó phải kể đến hãng xe điện VinFast. Đầu năm nay, chia sẻ với hãng tin Reuters, phía VinFast cho biết đang tìm cách thành lập một nhà máy sản xuất xe điện ở Đức.
"Thời đại vận chuyển ô tô từ nước này sang nước khác đã qua, đặc biệt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bạn phải có nhà máy gần với thị trường để giành được khách hàng của mình", VinFast cho biết: "Thời đại vận chuyển ô tô từ nước này sang nước khác đã qua, đặc biệt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bạn phải có nhà máy gần với thị trường để giành được khách hàng của mình".