Chuyển đổi năng lượng xanh: Doanh nghiệp ‘thiếu vốn là một phần, phần lớn là vướng mắc chính sách’
Dự thảo Điện mặt trời mái nhà được bán 20% công suất sẽ giúp doanh nghiệp "an tâm đầu tư"
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ cùng các doanh nghiệp đang rất quan đến sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam và trên thế giới. Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Để cụ thể hoá các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) chia sẻ: “Doanh nghiệp tham gia khá sâu vào mảng năng lượng xanh và chuyên về điện mặt trời (ĐMT). Bên cạnh việc trang bị cho doanh nghiệp, Intech cũng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác có nhu cầu, giúp họ tiết kiệm được chi phí và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu hiện nay. Bởi lẽ các đối tác liên quan đến Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,... gần như đều quan tâm đến việc doanh nghiệp có sử dụng ngân lượng sạch hay không, và ưu tiên những đơn vị sử dụng năng lượng sạch để hợp tác xuất khẩu”.
Phát biểu tại cuộc họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định về ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu vào ngày 13/8 mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng dư địa phát triển ĐMT mái nhà ở miền Bắc còn nhiều và cần có chính sách khuyến khích đầu tư. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các điều kiện để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, mở "room" cho ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải nghiên cứu, thống nhất tỷ lệ bán điện dư của nguồn ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế.
Đánh giá về chính sách này, ông Thắng chia sẻ: “Tôi đánh giá đây là một chính sách rất tuyệt vời và chính là mấu chốt của vấn đề. Trước đây, khi chưa có chính sách này đã phần nào hạn chế sự phát triển của việc lắp đặt ĐMT. Chính sách khuyến khích mua lại 20% điện của các doanh nghiệp, các dự án ĐMT áp mái sẽ giúp doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hơn và đồng thời giảm lãng phí. Bởi các doanh nghiệp có lắp nhưng cũng có khi dư thừa 10-20%, dùng không hết mà lại bán được cho EVN và EVN phân phối đến một số vùng, nơi khác”.
Vướng mắc khi doanh nghiệp chuyển đổi sang năng lượng xanh
Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đòi hỏi khoản đầu tư lớn. Do đó, doanh nghiệp vẫn còn dè dặt và chưa thực sự đầu tư vào lĩnh vực này. “Nhưng tôi tin rằng với sự phát triển như hiện nay chỉ cần 1-3 năm nữa thôi là công nghệ cũng thay đổi rất nhiều, dẫn đến chi phí, giá thành đầu tư cho các thiết bị lưu trữ cũng giảm và từ đó đầu tư sẽ hiệu quả hơn”, đại diện Intech Energy nói.
Cũng theo ông Thắng, trên góc độ một doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình chuyển đổi xanh và cung cấp các giải pháp chuyển đổi sang năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp, các khó khăn về vốn chỉ là một phần, “phần lớn vướng mắc đến từ chính sách. Về câu chuyện tài chính thì thực ra rất nhiều doanh nghiệp bây giờ đang tự chủ, đã lo được và có khả năng đầu tư, sẵn sàng tham gia, nhưng chính sách phải được khơi thông rõ ràng, có các hỗ trợ thực tiễn”.
Thực tế trong quá trình hoạt động, khi tư vấn, triển khai dự án cho đối tác, khách hàng của Intech, việc xin đấu nối, cấp phép triển khai dự án còn chậm, dẫn tới các dự án bị trễ 1-3 tháng, thậm chí nhiều hơn, dẫn tới kéo dài thời gian thi công, đội vốn, khó khăn cho doanh nghiệp.
“Ví dụ như chính sách về đấu nối, cần có chính sách cụ thể, rõ ràng và đồng bộ giữa các tỉnh thành. Doanh nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn thì cần cho đấu nối lên hệ thống lưới điện để việc mà triển khai dự án được thuận hơn. Các thủ tục để hoàn thành cần đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn phải nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Đây là các chính sách rất thiết thực”, đại diện doanh nghiệp đề xuất.
Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, mỗi đơn vị đều có những đặc thù riêng, do đó trước hết cần phải tính toán, xác định được đặc điểm về nguồn, nhu cầu sử dụng năng lượng trong từng công đoạn sản xuất, từng khu vực. Căn cứ vào những dữ liệu đầu vào đó, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng quản lý việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng từ các nguồn hiện có một cách tối ưu nhất, rồi từng bước tìm cách thay thế các nguồn năng lượng mới, xanh sạch hơn. Vì vậy, việc lựa chọn hướng đi và giải pháp nào phù hợp với thực trạng, với mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cũng như định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp là quan trọng nhất.