Doanh nhân Nguyễn Văn Thời: Người chèo lái `doanh nghiệp gia đình` TNG vươn ra biển lớn
Chủ tịch Nguyễn Văn Thời là một doanh nhân chịu khó học hỏi và rất mê việc chọn lọc áp dụng các phương thức, công cụ quản trị hiện đại trên thế giới vào TNG.
Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời là ai?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thời sinh ngày 27/01/1958, người dân tộc Kinh, theo đạo Công giáo tại Thái Thụy, Thái Bình. Ông là một doanh nhân tiêu biểu và chính trị gia người Việt Nam. Ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12, thuộc đoàn đại biểu Thái Nguyên, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 12; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.
Chân dung chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời
Ông có trình độ chuyên môn là kĩ sư cơ điện mỏ, cử nhân kinh tế, trình độ chính trị là cử nhân chính trị. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỏ - Địa chất năm 1982, ông Thời được điều về Công ty Xây lắp Điện Bắc Thái (nay Thái Nguyên). Ở đó, ông đã lên tới chức Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư. Sau đó, ông được cử đi học Đại học Kinh tế, ra trường đúng lúc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) Thái Nguyên tiến hành tái cấu trúc. Năm 1992, ông được cử sang làm giám đốc công ty may và bắt đầu cuộc hành trình với thời trang may mặc từ đây.
Hành trình "chèo lái" con thuyền TNG
Ít ai ngờ rằng quá khứ học kỹ thuật và kinh tế đã trở thành những mảnh ghép hoàn hảo để chủ tịch Nguyễn Văn Thời nhanh chóng bắt mạch được xu hướng kinh doanh của ngành may mặc. Trong vòng 10 năm (1993 – 2003), công ty do ông làm giám đốc đã lấy lại được đơn hàng xuất khẩu sang Đông Âu, Mỹ bất chấp những khó khăn trong thời kì đầu từng khiến TNG chao đảo phải chuyển sang sản xuất trong nước.
Chủ tịch Thời tại xưởng may của TNG
Tuy nhiên với nền kinh tế kiểu cũ, ông Thời cho rằng TNG lúc ấy như bị trói, vì công ty nhà nước, làm ăn với thị trường cạnh tranh, ông lại thuộc tuýp người có tư tưởng cấp tiến. Giờ TNG đã có trên 10 năm sau cổ phần hóa, không còn đồng vốn nhà nước nào, ông Thời vẫn cho rằng doanh nghiệp nhà nước chuyển sang cổ phần hóa là một trong những quyết định đúng đắn bậc nhất.
Hậu cổ phần hóa, thách thức lớn nhất đối với TNG là quy mô vốn không lớn, không thể lên kế hoạch phát triển. Đó nguyên nhân khiến ông tìm mọi cách đẩy TNG lên sàn HNX vào năm 2007. Trong giai đoạn 2003- 2010, TNG tăng trưởng bình quân 5%/năm. Từ năm 2010, tăng trưởng sụt giảm ở mức bình quân 3%/năm. Nhưng sau đó, ông Thời xác định, TNG sẽ bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới, phải trên 20%/năm. Thậm chí, nếu chiến lược làm 100% bằng thương hiệu TNG, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn nữa do chủ động nguyên vật liệu.
Hiện TNG sở hữu 11 chi nhánh may, 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số 220 chuyền may. Công ty đặt mục tiêu tăng lên 250 chuyền may vào năm 2020, giảm tỷ trọng hàng CMT (thuần túy gia công), tăng tỷ trọng FOB, từ đó cải thiện biên lãi gộp. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang phát triển thêm mảng ODM (tự thiết kế và sản xuất) với thương hiệu TNG Fashion có biên lãi gộp cao, khoảng 30-40%.
Xưởng may "khổng lồ" của TNG với hàng chục nghìn công nhân
Các đối tác của TNG đều là những doanh nghiệp quốc tế "máu mặt" trong ngành thời trang như ZARA, MANGO, GAP, CK, Decathlon, The Children’s Place… TNG cũng nhận được nhiều đề nghị hợp tác mới. Công ty đã mở rộng hợp tác với các khách hàng như G-III (Mỹ), IMPERAL (Canada), CHOIS (Hàn Quốc).
Hai khách hàng lớn nhất của TNG là Decathlon và The Children’s Place (TCP) đang chiếm khoảng 66,5% giá trị đơn hàng, trong đó Decathlon chiếm 40%. Tuy nhiên việc "may thuê" cho những "ông lớn" quốc tế vẫn không đủ để khiến chủ tịch Thời thoải mái an phận. Vào giai đoạn năm 2014-2015, TNG mạnh tay đầu tư vài trăm tỷ đồng cho trung tâm thiết kế thời trang và sau này sẽ trở thành đại bản doanh của TNG, với công việc nghiên cứu chiến lược thời trang, đầu tư thiết kế,...
Thế mạnh TNG đang nằm ở sản phẩm áo vest và áo sơ mi nữ, với doanh thu năm 2014-2015 tăng trưởng gấp 1,4 lần, riêng trong quý I/2016 đã tăng 36% so với năm 2015. Điều này cho thấy thương hiệu TNG đang được thị trường đón nhận.
TNG xây dựng một thương hiệu thời trang nội địa riêng
Tham vọng trở thành số 1 trong tương lai của ông Thời đang rất mạnh mẽ. Mango, Uniqlo là hai cái tên mà ông Thời ngưỡng mộ và muốn định hướng TNG phát triển theo hướng như vậy. Ông cho rằng họ thuê nước ngoài sản xuất, với mức chi phí trên toàn cầu cao, nhưng họ vẫn có lãi và nổi tiếng. TNG sản xuất 100% mà bán bằng giá của họ thì biên lợi nhuận chắc chắn cao hơn. Sau khi chiếm lĩnh được thị trường nội địa, TNG sẽ từng bước tiến quân sang thị trường ASEAN và xa hơn.
Tính chung 8 tháng năm 2020, doanh thu của TNG đạt trên 3.058 tỷ đồng, bằng 97% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng thị trường nội địa mang về gần 200 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng bất chấp đại dịch của TNG khiến các doanh nghiệp may càng có thêm niềm tin vào tương lai tươi sáng. TNG cũng công bố đã ký hợp đồng cơ bản đủ hàng sản xuất hết quý 4/2020 và tiếp tục nhận đơn đặt hàng cho quý 1 và quý 2/2021.
Chủ tịch Thời trong buổi ra mắt dự án TNG Village
Vào năm 2019, TNG đánh dấu sự lấn sân của doanh nghiệp may mặc sang lĩnh vực mới với sự ra mắt của dự án TNG Village. Dự án chung cư 17 này sẽ là nơi an cư lạc nghiệp cho nhiều gia đình người TNG và người Thái Nguyên. Bên cạnh TNG Village, dự án Khu đô thị xanh TNGreen (20ha) nằm trong khu công nghiệp Sơn Cầm (70 ha) cũng sẽ được bắt tay triển khai vào năm 2020.
Định hướng "doanh nghiệp gia đình" của TNG
Hiện chủ tịch Nguyễn Văn Thời đã bước sang tuổi 62 và đang chuẩn bị phân chia vị trí quản lý rồi lui về "hậu trường". Con trai cả của ông sinh năm 1983, sau 10 năm bôn ba học về kinh doanh thời trang ở Mỹ và ngôn ngữ ở Trung Quốc đã trở về cùng ông gánh vác cơ đồ TNG trong vai trò giám đốc phụ trách IT và phát triển thị trường. Còn người con trai út sinh năm 1987 cũng học dệt nhuộm tại Mỹ và sau này sẽ về nắm mảng thời trang của TNG.
Chủ tịch Thời từ những ngày đầu niêm yết trên sàn chứng khoán
Riêng em trai ruột ông là Nguyễn Văn Thới cũng trở thành Tổng giám đốc điều hành, còn ông giờ là tay hòm chìa khoá, nắm đầu tư, chiến lược của TNG, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 16,47%. TNG dù đã cổ phần hóa, lên sàn, nhưng vẫn mang màu sắc mô hình công ty gia đình.
Định hướng tăng trưởng trong 4 năm tới của TNG
Kế hoạch tăng trưởng 15%/năm đến năm 2024 mà TNG đặt ra cho bản thân thực sự là một thách thức lớn, đòi hỏi chủ tịch Thời và TNG phải tiếp tục thay đổi, công phá những bức tường thành trì trệ trong mỗi người, giải phóng những nguồn lực tăng trưởng mới trong nội tại doanh nghiệp. Với chiến lược đầy tham vọng đó, ông luôn mong muốn có thêm những nguồn lực cộng hưởng, để cùng đưa TNG vươn xa, vẫy vùng trên “đại dương xanh”.
Thanh Thùy
Xem thêm: Chủ tịch Mai Việt Hà thể hiện tài năng lãnh đạo thiên bẩm trên chiếc `ghế nóng` của SAVICO