Doanh nhân tuần qua: Bà Trịnh Hoa Giang rời ghế Phó tổng giám đốc FPT Retail, nữ đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt
Theo ông Lý Xuân Hải, điều tốt nhất cho kinh tế lúc này là đừng bàn về chuyện phục hồi, thay vào đó, cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, duy trì không làm đứt gãy chuỗi cung ứng với điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn tránh lây lan dịch bệnh.
“Đảm bảo an sinh xã hội là hoạt động bắt buộc và bằng mọi giá. Không có an sinh, gây bất ổn xã hội thì chả có kinh tế nào tồn tại. Nhà nước cần chi tiền cho tất cả những người không còn thu nhập đang đói khát đảm bảo mức tối thiểu”, ông Lý Xuân Hải nhấn mạnh.
Thứ hai, cần đảm bảo tránh lây lan. Các quyết định, giải pháp cần được cân nhắc đánh giá khả năng lây lan một cách khoa học, nhất là khi liên quan đến dân sinh và chuỗi cung ứng. Bài học kinh nghiệm các nước bị bùng dịch có nhiều để Việt Nam “copy - paste”.
Thứ ba, phải đảm bảo chuỗi cung ứng. Đây là cách tốt nhất đảm bảo an sinh xã hội và duy trì nền tảng tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Lý Xuân Hải, thời gian qua, việc duy trì chuỗi cung ứng có nhiều bất cập. Ông đề ra giải pháp: “Chúng ta cần có một Bộ tổng chỉ huy, một Chính sách, một Đầu mối phân bổ nguồn lực để chống dịch: Chính phủ. Yêu cầu mỗi tỉnh, thành bố trí các điểm tập kết đón nhận hàng hóa các nơi mang về. Sau đó sử dụng hệ thống xe tải địa phương chuyển về các chợ, các điểm bán lẻ. Tất nhiên phải đảm bảo 5K”.
Về vấn đề shipper, theo ông Lý Xuân Hải, cần mạnh dạn tiêm vắc xin cho shipper để họ hoạt động trở lại và không tạo rào cản nữa. Việc sử dụng quân đội, công an đi giao hàng là đang làm lãng phí nguồn lực. Lực lượng quân đội và công an nên tập trung giám sát tuân thủ 5K tại các điểm nóng như chợ đầu mối, siêu thị, các điểm giao nhận của shipper, đảm bảo an ninh… và vận chuyển những loại hàng hoá đặc biệt. Còn hãy để shipper đi giao hàng.
Ông Lý Xuân Hải cũng cho rằng, việc chỉ cho các siêu thị, vốn chỉ đáp ứng 30% sức mua, được bán hàng là không phù hợp. Hãy đế tất cả các cửa hàng bán lẻ, các chợ truyền thống được hoạt động trở lại.
Tình trạng thiếu hàng hoá cục bộ và tăng giá vô lý vẫn diễn ra trước mỗi lần nâng cấp dãn cách xã hội. Vì vậy, cần có các định hướng minh bạch và có tính dự báo để người dân biết trước dự phòng và tiên liệu, không gây sốt mua sắm tích trữ và bất an tư tưởng.
Bà Trịnh Hoa Giang rời vị trí Phó tổng giám đốc FPT Retail từ ngày 1/9
HĐQT Công ty Cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) vừa miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc công ty đối với bà Trịnh Hoa Giang kể từ ngày 1/9 theo nguyện vọng cá nhân. Được biết, bà Giang vẫn sẽ tiếp tục là thành viên HĐQT, tham gia vào việc tư vấn, hỗ trợ ban lãnh đạo trong công tác xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển công ty.
Bà Trịnh Hoa Giang tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, là Cử nhân khoa Sư phạm Tiếng Nga (năm 1993) và tốt nghiệp khoa Tiếng Anh (năm 1994). Năm 1999, bà tiếp tục lấy bằng cử nhân kinh tế tại Đại học Thương Mại.
Là một trong số ít những người gia nhập FPT Retail từ những ngày cuối năm 2003, bà Giang đã đặt nền móng cho những thành công bước đầu của công ty, đặc biệt là trong thời kỳ FPT Retail đang dần xây dựng hệ thống. Tại FPT Retail, bà được mệnh danh là nữ tướng có ‘tài mở đất’.
Từ tháng 1/2011, bà Hoa Giang chính thức được đề bạt vị trí Phó tổng giám đốc Công ty bán lẻ FPT - tiền thân của FPT Retail. Như vậy, tính đến nay, bà đã có 10 năm đảm nhận vị trí thó tổng giám đốc công ty. Bà Giang là thành viên HĐQT công ty từ tháng 3/2017.
Doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 của FPT Retail đạt 9.024 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm 2020. FPT Retail cũng báo lãi trước thuế hợp nhất 6 tháng đạt 76 tỷ đồng, tăng 189% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Năm 2021, FPT Retail đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần mục tiêu đạt 16.400 tỷ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng trưởng ở mức “khủng” 320%, dự kiến đạt 120 tỷ đồng trong năm 2021.
Ông Huỳnh Uy Dũng ra mắt 7 nhà máy oxy mini di động, hỗ trợ người dân mùa dịch
Ngày 2/9, Chủ tịch CTCP Đại Nam Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) đã tiếp nhận 7 nhà máy sản xuất oxy mini di động về Việt Nam. Với 7 nhà máy sản xuất oxy này, mỗi ngày có thể cung ứng 1.600 bình oxy 5 lít. Nếu bơm cho bệnh viện dã chiến là 40 lít và bơm ra phục vụ người dân thì 5 lít/bình.
Theo ông Dũng, nhà máy oxy này đã được chuẩn bị cách đây 4 tháng, có thể lắp đặt bất cứ nơi đâu có nguồn điện.
Vị doanh nhân này cho biết, sẽ bắt tay hợp tác làm từ thiện với tỉnh đoàn, lực lượng công an và quân đội cho "yên tâm", tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ưu tiên trước mắt là phủ kín Bình Dương, làm sao để có 6.000 bình oxy cung cấp cho tỉnh đoàn, phục vụ công tác điều trị F0. Tại Bình Dương, trong sáng 2/9 một số bệnh viện cũng đã được chi viện số lượng lớn bình oxy. Ngoài ra, ông cũng sẽ vận chuyển 3-4 nhà máy oxy vào TP. HCM, Long An và Đồng Nai, mỗi địa phương một nhà máy.
Nữ đại gia Trương Thị Kim Soan bị bắt vì lừa đảo hơn 11,2 triệu USD của người nước ngoài
Ngày 30/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết đang tiến hành điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Đường Lâm, tỉnh Bình Thuận và các công ty khác có liên quan.
Quá trình điều tra, C01 đã ban hành quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với bà Trương Thị Kim Soan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của ông John Koon (Australia) và các công ty do ông John Koon làm đại diện với tổng số tiền là 11.290.000 USD.
Bị can Trương Thị Kim Soan sinh năm 1974, là môi giới đầu tư khai thác khoáng sản, nguyên giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Vàng Titan Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân, Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Thiên Bình và một số công ty khác; trú tại 172 Nguyễn Đình Chính, phường 11, quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Theo tìm hiểm, năm 2016, bà Trương Thị Kim Soan là một trong 189 cá nhân, tổ chức tại Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama.
Đầu năm 2018, bà Trương Thị Kim Soan được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2017.
Đến tháng 4/2018, bà Trương Thị Kim Soan xuất hiện trong buổi làm việc với Bộ GTVT với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group).
Doanh nghiệp do bà Soan điều hành từng thâu tóm khu “đất vàng” số 129 Pasteur (quận 3, TP. HCM). Đây là một trong những thương vụ có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng một số quan chức thuộc UBND TP. HCM và Bộ Công an, đã được cơ quan tố tụng truy tố, xét xử.