Doanh số xe máy xăng sụt giảm liên tiếp, chuyện gì đang xảy ra?

Thiên Trường 18:54 | 26/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xe máy điện được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm doanh số của dòng xe máy chạy xăng.

Theo chuyên trang dữ liệu xe máy Motorcycles Data, thị trường xe máy  Việt Nam đang khủng hoảng. Khi trong tháng 7, toàn thị trường bán được 176.729 xe, giảm gần 29% - mức giảm sâu nhất trong 4 năm trở lại đây.

7 tháng đầu năm, toàn thị trường tiêu thụ được 1,56 triệu xe máy, giảm 14,4%.

Chuyên trang này cho biết, Việt Nam là thị trường xe hai bánh lớn thứ 4 thế giới. Trong hai năm 2021 và 2022, thị trường đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Nhưng năm 2023 lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tháng 1, doanh số bán xe máy giảm hơn 17%, nguyên nhân được cho là do trùng với Tết Nguyên đán và nhiều người giảm chi tiêu, đặc biệt trong những ngày cận và sau tết.

Vậy nhưng sang tháng 2 và tháng 3 tình hình không được cải thiện khi liên tiếp giảm 1,6% và 9,2% so với cùng kỳ. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, doanh số toàn thị trường đạt 726.807 xe, giảm gần 11%.

Thị trường phục hồi nhẹ ở tháng thứ 4 khi doanh số tăng 2,7% nhưng tiếp tục giảm 3 tháng liên tiếp sau đó.

 

Thực tế, trên thị trường, hai đối thủ dẫn đầu là Honda và Yamaha đều chứng kiến doanh số sụt giảm, lần lượt 9,2% và 32,9% so với cùng kỳ. Theo Motorcycles Data, nguyên nhân chính là do sự “tấn công của xe điện”.

Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) được TTXVN trích dẫn cũng đồng ý với nguyên nhân này. VAMA cho biết thị trường xe máy ở Việt Nam đã đạt đến điểm bão hòa với thu nhập ngày càng cao. Người dân đang dần chuyển dịch từ xe máy động cơ đốt trong sang xe đạp điện với kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý và tiết kiệm chi phí so với giá xăng.

Theo thống kê Cục Cảnh sát giao thông, đến hết năm 2022, Việt Nam có gần 2 triệu xe máy điện đăng ký mới, chiếm 2,7% tổng số xe máy cả nước. Doanh số bán xe máy điện năm 2022 tăng từ 30-35% so với năm 2021.

Theo dự báo của Motorcycles Data, Việt Nam là thị trường xe hai bánh điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và là thị trường E2W lớn thứ hai trên toàn thế giới, sau Trung Quốc.

Hiện nay, xe máy điện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam đa dạng hơn, có sự tham gia của các hãng sản xuất trong nước như VinFast, Sơn Hà, Pega.

Các hãng sản xuất xe máy như Honda, Yamaha, SYM, Piaggio cũng đã bắt đầu nghiên cứu, sản xuất các mẫu xe mới tại Việt Nam.

Một số nhà sản xuất trong nước đã đầu tư nghiêm túc vào công nghệ pin, phần cứng và phần mềm cho xe điện. Chẳng hạn VinFast đang lắp đặt trạm sạc tại 63 tỉnh, thành phố.

Người tiêu dùng trải nghiệm xe máy điện VinFast. (Ảnh: Thiên Trường).

CTCP Xe điện Thông minh Selex (Selex Motors) có trụ sở tại Hà Nội cũng đang tham gia vòng đầu tư trái phiếu chuyển đổi trị giá 3 triệu USD với ADB Ventures, Schneider Electric Energy Access Asia, Touchstone Partners và Sopoong Ventures.

Đối với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như xe máy điện, điều khó khăn nhất đối với nhà sản xuất là làm chủ được công nghệ cốt lõi của động cơ, pin. Tập đoàn Vingroup thành lập CTCP Giải pháp Năng lượng VinES với lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất ắc quy và pin điện.

VinES đã hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp về pin và giải pháp năng lượng như ProLogium, Li-Cycle, BP, Gotion, Inc. Công ty cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Cavico Lao Mining về cung cấp nguyên liệu niken cho sản xuất pin lithium.

Ngoài VinFast, CTCP Phát triển Năng lượng tái tạo Sơn Hà mới đây cũng gia nhập thị trường xe máy điện. Trong 5-10 năm tới, Sơn Hà kỳ vọng trở thành một trong ba nhà sản xuất, lắp ráp và cung cấp xe điện lớn nhất Việt Nam, chiếm 10-20% thị phần xe hai bánh trong nước (khoảng 300.000 - 600.000 xe một năm).

Sơn Hà đã thỏa thuận hợp tác chiến lược với VinES. Sự hợp tác này nhằm mục đích cung cấp các giải pháp năng lượng cho pin, trạm sạc và hệ sinh thái xe điện của công ty.