Doanh thu giảm một nửa, Phân bón Bình Điền (BFC) lỗ gần 40 tỷ trong quý I

Lạc Lạc 14:13 | 30/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Phân bón Bình Điền (mã: BFC) vừa công bố, doanh thu quý I/2023 đã giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ. Dù đã tiết giảm các chi phí, thế nhưng "gánh nặng" lãi vay đã khiến doanh nghiệp ghi nhận quý lỗ đầu tiên.

 

Phát sinh lỗ trong quý I nhưng doanh nghiệp "quyết tâm không thay đổi kế hoạch"

Trong quý I, doanh thu thuần của BFC đạt 1.343 tỷ đồng, giảm 48% so với mức 2.593 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Nguồn doanh thu chủ yếu đến từ thị trường nội địa với 1.205 tỷ đồng, hàng xuất khẩu mang về 138 tỷ đồng. So với quý I/2022, doanh thu nội địa đã giảm hơn 4 lần, trong khi xuất khẩu lại tăng nhẹ 4%.

Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp cũng giảm 44%, đạt 1.259 tỷ đồng. Kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 82 tỷ đồng, giảm 73%. Biên lãi gộp giảm xuống 6% từ mốc 12% của quý I năm ngoái. 

BFC đã cố gắng tiết giảm chi phí khi khoản chi dành cho bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã giảm lần lượt 52% và 44%, xuống còn 64,5 tỷ đồng và 26 tỷ đồng.

Dù vậy, chi phí tài chính với chủ yếu là lãi vay tăng 13% lên 35 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến BFC lỗ sau thuế 39,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức đạt được 86 tỷ đồng của quý I/2022. Đây cũng là quý đầu tiên "phân bón đầu trâu" khi nhận số lỗ trong kết quả kinh doanh. 

 

Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông 2023 vừa diễn ra, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Phân bón Bình Điền cho biết: “Bước sang năm 2023, giá phân bón đột ngột giảm sâu, có sản phẩm giảm tới 50%, khiến đại lý, nông dân không muốn nhập nhiều hàng về kho, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng lên, sản xuất kinh doanh của Phân bón Bình Điền trong quý I/2023 phát sinh lỗ nhưng Công ty quyết tâm không điều chỉnh kế hoạch sản xuất đã được đề ra từ cuối năm 2022. Điều này buộc Công ty phải phấn đấu quyết liệt, trong quý II phải đạt lợi nhuận hợp nhất 79 tỷ đồng, lợi nhuận riêng công ty mẹ 40 tỷ đồng”, ông Ngô Văn Đông cam kết.

Kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong quý II, ông Đông cho rằng, giá lúa tại khu vực ĐBSCL giá lúa đang rất tốt và chuẩn bị vào mùa mưa, mùa vụ sản xuất lớn nhất trong năm nên việc tiêu thụ phân bón sẽ tăng và thị trường chuyển biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ duy trì và phát triển các thị trường chiến lược, thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. 

Về kế hoạch kinh doanh 2023, BFC chỉ đưa ra các chỉ tiêu sản lượng sản xuất dự kiến 585.570 tấn, tăng 12,5% so với năm 2022 và kỳ vọng tiêu thụ 100% sản lượng sản xuất ra. Tổng doanh thu vào khoảng 7.477 tỉ đồng, tức giảm khoảng 14% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt được của doanh nghiệp cũng chỉ ở mức 220 tỉ đồng, tương đương giảm khoảng 6% so với năm 2022.

Tiền gửi ngân hàng giảm 63%

Về tình hình tài chính, cơ cấu tài sản của BFC trong quý I không có nhiều biến động. Đáng chú ý, khoản tiền mặt cùng các khoản gửi ngân hàng giảm gần 3 lần, xuống còn 187 tỷ đồng. 

Hàng tồn kho ở mức 2.563 tỷ đồng, tăng 9% so với ngày đầu năm 2023. Biến động lớn nhất ở mục tồn kho phân bón các loại khi tăng 23%, từ 872 tỷ đồng lên 1.079 tỷ đồng. Vay, nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 2.103 tỷ đồng, không có nhiều biến động. 

Tính đến ngày 31/3/2023, vốn chủ sở hữu của BFC ở mức 1.265 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu đạt 572 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 209 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này đạt âm 21,5 tỷ đồng).

Cũng tại ĐHĐCĐ 2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về sản lượng tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu giảm, ông Ngô Văn Đông cho biết, xuất khẩu sang thị trường Campuchia có dấu hiệu bất thường khi giảm đến 3.000 tấn. "Rất nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc tràn sang Campuchia đầu tư và bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra sản xuất nông sản. Đây là thách thức rất lớn không chỉ đối với Bình Điền mà cả với các nhà sản xuất phân bón Việt Nam ở thị trường xuất khẩu truyền thống này" – ông Đông nói thêm.