Phân bón Bình Điền (BFC) đặt mục tiêu lãi giảm trong 2023
Cụ thể, trong quý IV/2022, Bình Điền sản xuất 115.922 tấn phân bón, tăng 67,6% so với cùng kỳ 2021. Trong đó tiêu thụ gần 90% sản lượng, tương đương 103.796 tấn, tăng 73,8% và mang về 1.901,3 tỷ đồng, tăng 99,7%. Trừ giá vốn cùng các chi phí, doanh nghiệp lãi trước thuế 24,8 tỷ đồng, tăng 17,6%. Lợi nhuận trước thuế thực hiện riêng công ty mẹ 18,4 tỷ đồng.
Trong cả năm 2022, Bình Điền tiêu thụ 511.899 tấn phân bón trong tổng số 518.218 tấn sản xuất, mang về 8.693,2 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 236,3 tỷ đồng, tăng 18%.
Lũy kế cả năm 2022, công ty phân bón đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.427 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã vượt 35,2% kế hoạch doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận của năm.
Sang quý I/2023, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất 93.580 tấn phân bón và tiêu thụ 100%, thu về 1.354,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20,4 tỷ đồng. Trong cả năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu bán hết 583.570 tấn phân bón sản xuất, thu về 7.476,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 220 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế riêng Công ty mẹ 155 tỷ đồng. Mục tiêu này tăng 12,6% sản lượng sản xuất nhưng lại giảm 14% doanh thu và 7,4% lãi trước thuế so với năm 2022.
Hiện phân bón Bình Điền hiện đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân hỗn hợp NPK Việt Nam. Đây là doanh nghiệp luôn nằm trong top 500 công ty lớn nhất Việt Nam, chiếm 28% thị phần phân bón khu vực phía Nam và Tây Nguyên, 10% khu vực miền Trung, 10% khu vực miền Bắc.
Sản phẩm NPK của phân bón Bình Điền cũng xuất khẩu nhiều nhất sang Campuchia. Hiện Phân bón Bình Điền cũng đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế như Lào, Myanmar để bù đắp sản lượng xuất khẩu sang Campuchia đang bị sụt giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020. Năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng, đạt tới mức 1,7 triệu tấn và do yếu tố về giá nên đã lần đầu tiên vượt qua mốc 1 tỷ USD.
Dù có nhiều kịch bản khác nhau về giá phân bón trong năm nay, nhưng theo Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA), có rất ít khả năng giá phân bón sẽ giảm xuống thấp hơn vào năm 2023. Nguyên nhân là do giá giá khí đốt tự nhiên (nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chiếm từ 70% đến 90% chi phí sản xuất) tiếp tục có những diễn biến khó lường do ảnh hưởng của tình hình chính trị. Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần đầu tư tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, cắt giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý, đảm bảo yêu cầu cung cấp đủ phân bón cho bà con nông dân.
Trong diễn biến mới nhất, Bình Điền đã thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền. Theo đó, Công ty dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 6%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 600 đồng. Với 57,17 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính BFC sẽ tạm ứng khoảng hơn 34,3 tỷ đồng trong lần trả cổ tức này. Ngày đăng ký cuối cùng là 18/1 và ngày thanh toán là 10/2. Trước đó, Công ty thông qua kế hoạch cổ tức không thấp hơn 15%trong năm 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/1, cổ phiếu BFC giảm 200 đồng xuống 17.300 đồng/cổ phiếu.