Doanh thu nghìn tỷ: Tập đoàn Công nghệ CMC góp phần kiến tạo niềm tin số Make in Vietnam
Với doanh thu nghìn tỷ mỗi năm, Tập đoàn Công nghệ CMC đang góp phần kiến tạo niềm tin số Make in Vietnam.
Phát triển đội ngũ chuyên gia và xây dựng văn hóa mở
Định hướng phát triển công nghệ mở Việt Nam thời gian tới tập trung vào 3 trụ cột chính là hệ sinh thái mở “Make in Vietnam”, thúc đẩy văn hoá mở và phát triển cộng đồng mở.
Cùng với Viettel, Bkav, Tập đoàn Công nghệ CMC luôn đi đầu tại Việt Nam về việc phát triển các công nghệ mở.
Tập đoàn Công nghệ CMC luôn đi đầu tại Việt Nam về việc phát triển các công nghệ mở
Với CMC, tập đoàn này lựa chọn nền tảng mở OpenStack để xây dựng CMC Open Cloud và Elastic Stack để xây dựng SOC. Đây đều là các mã nguồn mở được công khai trên GitHub.
Do sử dụng mã nguồn mở từ GitHub, nhiều mã nguồn module Big data, Cloud của CMC cũng sẽ được chuyển lại cho diễn đàn này để sinh viên, lập trình viên sử dụng. Bên cạnh đó, CMC cũng phát triển hệ sinh thái mở C.OPE2N để chia sẻ và đón nhận những đóng góp từ cộng đồng.
Tại Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam (Vietnam Open Summit 2020), ông Lương Tuấn Thành - Giám đốc Công nghệ tập đoàn CMC cho rằng, với việc phát triển dựa trên mã nguồn mở, toàn bộ chi phí liên quan tới bản quyền phần mềm trước đây sẽ được chuyển sang đầu tư cho con người. Đây là cách CMC phát triển đội ngũ chuyên gia và xây dựng văn hóa mở.
Tại Chương trình Gặp gỡ ICT xuân Tân Sửu vào tối 26/3/2021 tại Hà Nội, dưới sự phối hợp tổ chức từ 14 hội, hiệp hội, câu lạc bộ CNTT-TT trong đó có Hội Truyền thông số Việt Nam, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Chính, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ: Đại dịch COVID-19 năm vừa qua là một thảm hoạ không ai mong muốn, nhưng thành quả mà Việt Nam đã đạt được là nằm trong số 2 quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Chúng ta đã vượt lên nghịch cảnh để phát triển đất nước và trong bối cảnh đại dịch, CNTT-TT lại có cơ hội phát triển rất lớn nhờ nhu cầu trực tuyến tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Chính, cộng đồng CNTT-TT còn phải nỗ lực rất nhiều. Muốn làm ra được các sản phẩm CNTT-TT "Make in Vietnam" thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Ông Nguyễn Trung Chính, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC
“Hốt bạc” trong các năm trở lại đây
Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC tiền thân là trung tâm ADCOM, thuộc viện Công nghệ vi điện tử, viện Nghiên cứu công nghệ quốc gia, thành lập năm 1991 với số vốn ban đầu 50 triệu đồng.
Ngày 7/2/2007, CMC thực hiện cổ phần hóa, chính thức chuyển đổi thành công ty với tên gọi như hiện nay. Toàn bộ 13 cổ đông sáng lập là các lãnh đạo chủ chốt của công ty và các công ty thành viên. Chủ tịch HĐQT của tập đoàn hiện nay, ông Nguyễn Trung Chính, được bổ nhiệm vào tháng 6/2016.
Tập đoàn CMC kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giải pháp công nghệ, kinh doanh quốc tế, chuyển đổi số,...
Về kết quả kinh doanh, có thể thấy "ông lớn" công nghệ này luôn “hốt bạc” trong các năm trở lại đây.
Kết quả kinh doanh của Tập đoàn CMC
Năm 2016, doanh thu của tập đoàn đạt 4.390 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 591 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 4.870 tỷ đồng và 753 tỷ đồng, tăng tương ứng 10,9% và 27,4% so với năm 2016.
Đến năm 2018, doanh thu tập đoàn tiếp tục tăng trưởng, đạt 5.186 tỷ đồng, tăng 18%, lợi nhuận gộp đạt 841 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2016.
Năm 2018 cũng là năm CMC có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong 5 năm trở lại đây khi tập đoàn đạt 261 tỷ đồng.
Năm 2019 doanh thu tập đoàn đạt 4.846 tỷ đồng tuy giảm 7% nhưng lợi nhuận lại tăng 6,5% so với năm 2018, đạt mức 899 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2019, HĐQT tập đoàn CMC đã tăng vốn chủ sở hữu từ 720 tỷ đồng lên 999 tỷ đồng do bán 25.000 cổ phần cho công ty TNHH Samsung SDS Asia Pacific Pte, một doanh nghiệp của Singapore với giá bán là 34.000đ/cổ phần.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính đến ngày 31/3/2020, CMC có dùng khá nhiều tài sản bảo đảm cho các khoản vay dài hạn của mình ở nhiều ngân hàng khác nhau. Cụ thể, Tập đoàn dùng một số tài sản cố định hữu hình của công ty CP Hạ tầng Viễn thông CMC để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 335 tỷ tại ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, 22 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam,...
Năm 2020, một năm khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp, thế nhưng trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất lũy kế từ 1/4/2020 đến 31/12/2020, tập đoàn vẫn đạt doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, lợi nhuận 722 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính đến 31/12/2020, CMC hiện đang có tổng tài sản là 5.101 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thời điểm 1/4/2020.
Minh Hoa