Đơn hàng mới giảm nhanh, ngành sản xuất tiến vào giai đoạn trầm lắng

Diên Vỹ 15:15 | 06/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục phục hồi nhưng với tốc độ tăng có xu hướng chậm lại so với các tháng trước đó trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Báo cáo mới đây của IHS Markit cũng cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 11 đã bất ngờ giảm dưới mức trung bình 50 điểm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng.

 

IIP tháng 11 tăng chậm lại khi đơn hàng sụt giảm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Để so sánh, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 13,3%; tháng 9 tăng 10,3%; tháng 10 tăng 5,5% (so với cùng kỳ năm trước). Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Tính chung 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp mũi nhọn với mức tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%), đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 31%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 18,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất trang phục tăng 16,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,7%; hoạt động thu gom, xử lý và tái chế phế liệu tăng 11,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,3%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất kim loại giảm 2,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7%.

Xét về địa phương, chỉ số IIP 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước. 

 

Theo Tổng cục Thống kê, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Cụ thể, Bắc Giang ghi nhận IIP tăng 36,4%; Cần Thơ tăng 31,2%; Vĩnh Long tăng 27,2%; Quảng Nam tăng 24,2%; Lai Châu 22,5%.

Ở chiều ngược lại, 2 địa phương ghi nhận IIP giảm là Trà Vinh giảm 24%; Hà Tĩnh giảm 16,9%; chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Xét về cơ cấu sản phẩm, 11 tháng năm 2022, bia tiếp tục là sản phẩm dẫn đầu trong số những sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng 34,9%). Kế đến, sản phẩm thủy hải sản chế biến và ô tô cùng đứng thứ 2 với mức tăng 17,3%; linh kiện điện thoại tăng 16,9%; xăng dầu các loại tăng 12,9%; sơn hóa học tăng 12%; thép thanh, thép góc tăng 11,8%; xe máy tăng 10,8%; giày, dép da tăng 9,7%; thuốc lá điếu và khí đốt thiên nhiên dạng khí cùng tăng 9,1%.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Tivi giảm 0,6%; khí hóa lỏng LPG giảm 1,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 1,7%; thức ăn cho thủy sản giảm 4,1% (do chi phí sản xuất đầu vào, xăng dầu tăng cao, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thức ăn cho thủy sản chỉ hoạt động cầm chừng); điện thoại di động giảm 6,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 6,6%; sắt, thép thô giảm 16,6%.

 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 7,2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,1% và tăng 2,9%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,6% và tăng 7,9%.

Chỉ số PMI phản ánh điều kiện kinh doanh khó khăn

Báo cáo mới đây của S&P Global cũng cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 11 đã bất ngờ giảm dưới mức trung bình 50 điểm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng. 

 

PMI Ngành Sản xuất Việt Nam được S&P Global thu thập từ phần trả lời một danh mục câu hỏi khảo sát gửi cho các nhà quản trị mua hàng trong một nhóm gồm khoảng 400 nhà sản xuất. Các nhóm khảo sát được phân chia theo lĩnh vực và quy mô lao động của công ty, dựa trên đóng góp vào GDP. 

Cụ thể, PMI của Việt Nam tháng 11 chỉ đạt 47,4 điểm so với 50,6 điểm của tháng 10, phản ánh các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh trong tháng.

3 điểm nhấn chính tại báo cáo PMI Ngành sản xuất Việt Nam tháng 11 mà S&P Global đưa ra: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm trở lại; Đồng tiền giảm giá làm tăng nhanh hơn chi phí đầu vào; Giá bán hàng giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm.

Cụ thể, trong tháng 11, khảo sát cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất đã giảm lần đầu tiên trong 14 tháng, chủ yếu phản ánh nhu cầu trên thị trường quốc tế đang yếu đi. Một số thành viên nhóm khảo sát ghi nhận xuất khẩu giảm cũng nhắc đến ảnh hưởng của biến động tỷ giá bất lợi lên giá cả, và chiến tranh ở Ukraine.

Khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các nhà sản xuất cũng bắt đầu giảm sản lượng, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3 nhưng với tốc độ giảm mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 9/2021. 

Cùng đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy việc làm và hoạt động mua hàng tại Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 11. Trong đó, xu hướng việc làm giảm lần đầu tiên trong 8 tháng đã phản ánh mức sụt giảm của số lượng đơn đặt hàng mới cũng như nỗ lực cắt giảm chi phí ở một số công ty. Còn hoạt động mua hàng hóa đầu vào giảm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng đang có xu hướng làm giảm tồn kho hàng mua và cả tồn kho sau sản xuất. 

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay bản công bố PMI tháng 11 đã cho thấy những dấu hiệu cầu giảm trên thế giới phản ánh vào ngành sản xuất của Việt Nam. 

 

“Bức tranh đã tối hơn đáng kể trong tháng 11 khi số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm. Với niềm tin kinh doanh cũng bị giảm, ngành sản xuất có vẻ như có một kết thúc khó khăn cho năm 2022”

Ông Andrew Harker

Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng chung của đa số các nền kinh tế trong khu vực, khi báo cáo chung của S&P Global chỉ ra rằng, tăng trưởng ngành sản xuất ASEAN tiếp tục chậm lại với chỉ số PMI toàn phần của tất cả các quốc gia trong khối chỉ đạt 50,7 điểm trong tháng 11, giảm so với mức 51,6 điểm của tháng 10.

Theo nhóm nghiên cứu, chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN giảm một phần do nhu cầu yếu kém trong tháng 11 đã khiến số lượng đơn đặt hàng và việc làm tiếp tục giảm. Tồn kho hàng hóa đầu vào tiếp tục giảm cũng đã tác động lên chỉ số PMI. Đồng thời, sản lượng và hoạt động mua hàng cũng tăng chậm hơn. Mức tăng hoạt động mua hàng trong tháng qua được coi là yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài 14 tháng cho đến nay.

Bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định lĩnh vực sản xuất ASEAN đã ghi nhận tăng trưởng chậm lại tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 11 qua, điều này làm tăng nguy cơ ngành sản xuất rơi vào suy giảm trong những tháng tới, khi lạm phát cao và các điều kiện tài chính thắt chặt có thể tiếp tục tác động lên nhu cầu.

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).  Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ được nới lên mức 15,5 - 16%. 

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.