Sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 8,3%, chế biến chế tạo vẫn là 'đầu kéo' phục hồi
Chế biến chế tạo tiếp tục là "đầu kéo" cho phục hồi sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%, ngành khai khoáng tăng 4,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 2,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, giảm 2,7 điểm phần trăm so với mức 10% cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% , thấp hơn mức tăng 12,5% cùng kỳ năm 2021, đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm, ngành khai khoáng tăng 4,1%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất phục trang tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 22%, gấp 2,4 lần mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ghi nhận mức sụt giảm 13,8%, trong khi cùng kỳ năm trước ngành hàng này ghi nhận mức tăng 10,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước trong đó mức tăng mạnh nhất là sản phẩm linh kiện điện thoại, với mức tăng 21,6%, tiếp đến là mức tăng 17,9% của sản phẩm phân u rê. Có thể thấy, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu phân bón trên thị trường thế giới đang dần đến hồi kết, giúp ngành phân bón trong nước trở lại mức tăng trưởng tốt.
Bắc Giang cả nước đứng đầu về mức tăng IIP
Trong 5 tháng đầu năm, chỉ số công nghiệp tiếp tục tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương là Trà Vinh và Hà Tĩnh. Điều này cho thấy sự phục hồi của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2022, Bắc Giang là địa phương đứng đầu về mức tăng chỉ số IIP (tăng 43,1%), tiếp theo là Lai Châu (tăng 28,8%), Hà Giang (tăng 23,6%), Quảng Nam (tăng 21,8%), Bình Phước (tăng 21,0%). Các tỉnh Kon Tum, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Thanh Hóa cũng nằm trong top 10 tỉnh có IIP tăng cao nhất cả nước 5 tháng đầu năm với mức tăng hai con số.
Ngược lại, trong số các địa phương có tốc độ tăng IIP thấp nhất 5 tháng đầu năm, Trà Vinh nằm cuối bảng xếp hạng với mức giảm 17,2%, đứng thứ hai từ dưới lên là Hà Tĩnh với mức giảm 7,5% và đứng thứ ba là Ninh Bình với mức tăng nhẹ 1,0%. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh và Long An, hai tỉnh có quy mô công nghiệp lớn của cả nước, cũng nằm trong top 10 tỉnh có chỉ số IIP tăng chậm nhất trong 5 tháng với mức tăng lần lượt 2,6% và 4,8%.
Lực lượng lao động tiếp tục phục hồi
Tính tới 1/5/2022, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đã tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với tháng 4 và giảm 4,5% so với cùng kỳ 2021; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,1% và giảm 1,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,8% và tăng 6%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với tháng 4 nhưng giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,5% và tăng 4,8%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 1,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải không đổi và tăng 2,4%.