Đông Hải Bến Tre: Chuẩn bị chi hơn 80 tỷ tạm ứng cổ tức, lãi ròng 234 tỷ sau 9 tháng

Trang Mai 17:40 | 05/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Đông Hải Bến Tre (mã: DHC) vừa thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/11.

Theo đó, HĐQT DHC thông qua tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Với gần 80,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Đông Hải Bến Tre cần chi 80,5 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này. Thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 22/12.

Tính đến cuối năm 2022, DHC có 5 cổ đông lớn gồm KWE Beteiligungen AG sở hữu 14,77% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thanh Nghĩa - Thành viên HĐQT nắm 9,55% vốn, ông Lê Bá Phương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc sở hữu 8,71%, bà Nguyễn Thị Thủy nắm 6,82% và ông Lương Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc nắm 5,67%. Như vậy, trong đợt tạm ứng cổ tức này, cổ đông sở hữu tỷ lệ lớn nhất là KWE Beteiligungen AG sẽ nhận về hơn 10 tỷ đồng.

 Nguồn: DHC

Cùng ngày, HĐQT DHC cũng thống nhất về tổng hạn mức tín dụng ngắn hạn được cấp là 250 tỷ đồng tại Ngân hàng Cathay United Bank - chi nhánh TPHCM nhằm tài trợ nhu cầu vốn lưu động của Công ty. Đồng thời, dùng các khoản phải thu từ khách hàng với giá trị 250 tỷ đồng để đảm bảo cho các nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng hạn mức tín dụng tại Ngân hàng nói trên.

Về kết quả kinh doanh, quý III, DHC ghi nhận doanh thu thuần hơn 794 tỷ đồng và lãi ròng gần 56 tỷ đồng, giảm lần lượt 18% và 13% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, DHC đạt doanh thu thuần 2.443 tỷ đồng, giảm 18% và lãi ròng 234 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Đông Hải Bến Tre thực hiện được 19% chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm sau 9 tháng.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán ACBS Research, DHC sẽ là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi rõ rệt nhất khi nhu cầu sử dụng giấy bao bì gia tăng trở lại. Đông Hải Bến Tre hiện là doanh nghiệp tầm trung, lớn thứ 5 trong ngành sản xuất giấy bao bì công nghiệp Việt Nam (chiếm hơn 5% thị phần giấy bao bì toàn quốc).

Doanh nghiệp hiện sản xuất đa dạng các sản phẩm giấy công nghiệp từ nguồn giấy tái chế thu hồi (OCC) với tổng công suất đạt 260.000 tấn/năm; chủ yếu phục vụ khách hàng nội địa và một phần nhỏ sản lượng được xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc (15% tổng sản lượng đầu ra).

Trong trung hạn, DHC vẫn có triển vọng mở rộng và tăng trưởng với Dự án Nhà máy Giấy Giao Long 3, khi hai nhà máy giấy hiện tại đã chạy hết công suất. Trên thực tế, Giao Long 3 đã được triển khai từ năm 2022, tuy nhiên bị tạm ngừng lại do điều kiện thị trường chưa thuận lợi.

Theo kế hoạch mới nhất, Đông Hải Bến Tre dời dự án này đến cuối năm 2026 và mức đầu tư sẽ tăng từ 1.800 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng do các yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, so với các nhà máy khác thì suất đầu tư của Giao Long 3 vẫn rất thấp, đảm bảo lợi nhuận hấp dẫn và sức cạnh tranh. Trong quá khứ, Đông Hải Bến Tre cũng đã từng ghi nhận việc đầu tư mở rộng Nhà máy Giấy Giao Long 2 với chi phí đầu tư rất thấp. 

Về tình hình tài chính, cuối quý III, DHC có tổng tài sản hơn 2.866 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 823 tỷ đồng, tăng 5%; trong khi hàng tồn kho gần 554 tỷ đồng, giảm 12%. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 46 tỷ đồng, phần lớn đến từ chi phí xây dựng Nhà máy Giấy Giao Long 3 gần 45 tỷ đồng, còn lại là các công trình khác.

DHC có nợ phải trả 1.009 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn 630 tỷ đồng và doanh nghiệp không ghi nhận khoản vay dài hạn.