Động lực cho nền kinh tế 6 tháng cuối năm

Hạ An 10:00 | 21/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nền kinh tế nửa đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng những cũng ẩn chứa không ít rủi ro, thách thức. Các doanh nghiệp lớn, FDI có xu hướng tốt lên nhưng doanh nghiệp nội, doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn khó khăn.

Sự phục hồi không bằng phẳng

Việt Nam tiếp tục chặng đường phục hồi không mấy bằng phẳng trong những tháng đầu năm, phần nào phản ánh mức độ bất ổn cao của môi trường toàn cầu, các chuyên gia của HSBC nhận định trong báo cáo phát hành vào tháng 5.

Xuất khẩu tăng trưởng, năng lực sản xuất cải thiện nhờ dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch phục hồi, … là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế 5 tháng đầu năm.

Nhiều số liệu vĩ mô có chiều hướng tốt lên nhưng theo một số chuyên gia, đang có sự lệch pha giữa các nhóm doanh nghiệp, đang tồn tại hai nền kinh tế trong cùng một quốc gia. Sự phục hồi tích cực chỉ phản ánh được bức tranh của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn còn khối doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vẫn còn khá chật vật.

Theo PGS TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bên cạnh những lĩnh vực có sự hồi phục như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, trong 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường vẫn ở mức cao, tỷ lệ đầu tư tư nhân và tăng trưởng tín dụng rất thấp.

PGS TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Điều này phản ánh những gam màu xám của nền kinh tế khi cấu trúc toàn thể của thị trường tài chính đang có vấn đề chứ không đơn giản là vấn đề ở thị trường bất động sản. Nền kinh tế đang có xu hướng phục hồi tăng trưởng nhưng bên trong đó là một số bất ổn tiềm ẩn.

Nhìn vào cơ cấu doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô thấp, sức chống chịu yếu dẫn đến khi bối cảnh khó khăn, khiến xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao. Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm đến 70% còn nền kinh tế nội địa thì chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Trong 3 tháng đầu năm nay cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì lại có 8 doanh nghiệp rút lui. Trong khi quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi và tuổi thọ thực sự của doanh nghiệp cũng ngắn lại.

Đáng chú ý, trong cơ cấu GDP, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chỉ đóng góp 10%, khu vực hộ gia đình đóng góp 30%, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đóng góp gần 30%.

“Khu vực doanh nghiệp tư nhân được coi là động lực chính cho nền kinh tế mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khu vực hộ gia đình đóng góp 30% nhưng quy mô nhỏ còn khu vực Nhà nước hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả”, ông Trần Đình Thiên nhận định.

Một vấn đề khác là nền kinh tế còn dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI. Tăng trưởng của Việt Nam hiện đang dựa nhiều vào vốn nước ngoài, đó là lý do cung ứng vốn của Việt Nam thấp nhưng số liệu tăng trưởng vẫn cao.

Khu vực doanh nghiệp nội địa đáng ra phải đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng và là khu vực chủ lực của kinh tế thị trường thì lại chỉ chiếm hơn 10% GDP. Nếu như oanh nghiệp tư nhân ngày càng yếu đi thì không thể tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn được.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

Từ góc độ doanh nghiệp, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng trong bối cảnh khó khăn, muốn tạo động lực cho nền kinh tế Chính phủ cần đưa ra các chính sách tài khoá, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo kết khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố hồi tháng 5/2024, các doanh nghiệp đánh giá 2023 là năm khó khăn và mức độ lạc quan của doanh nghiệp thấp nhất kể từ trước đến nay. Chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số này còn thấp hơn cả mức đáy trước đây là giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2012 - 2013.

 

Đáng chú ý, so với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước có mức độ khó khăn cao hơn hẳn và doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì khó khăn càng lớn. Thường là khó khăn về việc tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ thì càng nhạy cảm với những khó khăn về thủ tục hành chính, mức độ thụ hưởng hỗ trợ hay mức độ tương tác, tiếp xúc với chính quyền các địa phương không được như các doanh nghiệp lớn.

Vì vậy, đại diện VCCI đề xuất chính quyền các tỉnh, thành phố cần quan tâm đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều hơn, làm sao để giảm bớt khó khăn cho họ. Hiện Chính phủ đã trình phương án tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% vào những tháng cuối năm nay. Đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

Các chuyên gia đánh giá, những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa sẽ rất thấp.

Chuyên gia Trần Đình Thiên cũng đưa ra 5 kiến nghị để tạo động lực cho nền kinh tế cuối năm nay và cả các năm tiếp theo.

Đầu tiên là cần quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp Việt bên cạnh việc tiếp tục ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài để các doanh nghiệp này có thể dẫn dắt doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng. Nỗ lực tháo gỡ cần phải nhận thức đúng quan hệ tăng trưởng GDP. Khai thông nền kinh tế trên các nền tảng: Giao thông, các kênh dẫn vốn, đầu tư công, thị trường trái phiếu doanh nghiệp,.. để có một cấu trúc thị trường tài chính hợp lý hơn.

Thứ hai, phải duy trì một nền kinh tế mở, trong đó ưu tiên phát triển xanh, phát triển bền vững. Phải làm sao để những xu hướng này trở thành lợi thế của các doanh nghiệp Việt.

Thứ ba, phải thoát khỏi cấu trúc kinh tế nhị nguyên, ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt đúng hướng thị trường.

Thứ tư, giảm lãi suất là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp đi liền với việc giảm thời gian thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với thế giới. Và cuối cùng là cần đẩy mạnh xu hướng phân quyền, phân cấp, các địa phương xin cơ chế đặc thù, đặc biệt là các hình mẫu thí điểm./.