VDSC: Xu hướng phục hồi xuất khẩu sẽ tiếp tục dù Việt Nam có hay không được công nhận là nền kinh tế thị trường

Diên Vỹ 11:16 | 18/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tháng 7/2024 sẽ là thời hạn cuối để Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra kết luận về vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Theo VDSC, ngay cả ở kịch bản Việt Nam chưa công nhận là nền kinh tế thị trường, xu hướng phục hồi của xuất khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

 

Thâm hụt thương mại tháng 5/2024 thu hẹp so với ước tính

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2024 đạt 32,3 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 32,7 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 25,7% so với cùng kỳ. 

Như vậy số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng thấp hơn so với ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê. Đồng thời, nhập siêu trong tháng 5/2024 cũng thu hẹp chỉ còn 456 triệu USD, so với ước tính trước đó là 1 tỷ USD.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong phân tích mới đây nhận định rằng mặc dù ảnh hưởng của mức nền thấp vẫn còn, tăng trưởng thương mại tháng 5/2024 là tích cực nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong đó, xuất khẩu của khối FDI tăng tích cực hơn so với khối trong nước trong tháng 5, ngược lại, nhập khẩu của khối trong nước lại mạnh hơn đáng kể so với khối FDI. 

Tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận mức cao ở mặt hàng điện tử ở khối FDI (+20,9% so với cùng kỳ) nhưng khá thấp ở nhóm hàng dệt may, giày dép và túi xách (chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ). Ở chiều nhập khẩu, khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu mạnh nhóm nguyên liệu sản xuất hàng điện tử (+61,7% so với cùng kỳ) mặc dù quy mô nhập khẩu của nhóm này của khối trong nước trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 4,3 tỷ USD, so với khối FDI là 40,7 tỷ USD.

Với số liệu sơ bộ do Tổng cục Hải quan công bố, ước kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt lần lượt 156,3 tỷ USD và 147,7 tỷ USD, tăng lần lượt 14,9% và 17,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế cán cân thương mại 5 tháng xuất siêu 8,6 tỷ USD, thấp hơn 15,1% so với thặng dư thương mại 5 tháng đầu năm 2023. 

“Việc thâm hụt thương mại thu hẹp so với số liệu ước tính cũng phần nào củng cố quan điểm của chúng tôi về việc nhập siêu tháng 5 năm nay có tính chu kỳ và không phải là yếu tố đáng ngại và kéo dài, gây áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá”, báo cáo của VDSC nhận định.

Bên cạnh việc thâm hụt thương mại thu hẹp hơn ước tính, một tín hiệu đáng chú ý trong kim ngạch thương mại tháng 5 là xuất khẩu máy móc thiết bị tăng mạnh.

Theo đó, nhân tố nổi bật nhất trong tháng 5 là sự tăng trưởng bứt phá của doanh số xuất khẩu máy móc thiết bị, tăng 26,5% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng khoảng 10,6% trong hai tháng trước. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu máy móc thiết bị tăng trưởng 13,9% so với cùng kỳ.

Cùng đó, tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm điện tử trong tháng 5/2024 cũng rất ấn tượng, tăng 32,8% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Luỹ kế 5 tháng, mặt hàng này ghi nhận mức tăng 23,4% so với cùng kỳ, là top 2 mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất trong 5 tháng.

Một mặt hàng khác cũng đạt được mức tăng tích cực không kém là gỗ và sản phẩm gỗ, với mức tăng là 21,0% trong tháng 5/2024 và phục hồi mạnh nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu, tăng 24,2% trong 5 tháng.

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản duy trì được đà tăng từ năm ngoái (+22,2% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm), trong đó phải kể đến sự đóng góp của yếu tố giá (ví dụ như giá cà phê tăng 65,6% so với cùng kỳ hay gạo và hạt tiêu lần lượt tăng 82,8% và 52,5%). 

Trái lại, dệt may, giày dép, túi xách là nhóm hàng phục hồi rất chậm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm 0,3% trong tháng 5/2024. Luỹ kế 5 tháng, nhóm dệt may, giày dép, túi xách chỉ tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng chung.

Nhìn chung lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nhóm hàng công nghệ đã tăng 23,4% so với cùng kỳ, vượt trội hơn nhóm hàng phi công nghệ với mức tăng trưởng là 11,0%.

Về nhập khẩu, những nhóm hàng trung gian (dệt may và điện tử) vẫn là nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm tăng 24,0% so với cùng kỳ trong 5 tháng. Ngược lại, nhập khẩu hàng tiêu dùng không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước, chỉ tăng 2,2%. Xét chi tiết hơn thì nhập khẩu nguyên liệu hàng điện tử tăng mạnh nhất, ghi nhận mức tăng trưởng luỹ kế là 26,7%, tiếp đến là mặt hàng xăng dầu (+16,9%) và thứ ba là nhập khẩu máy móc thiết bị (+15,0%).

 Ảnh: VDSC

Kịch bản Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường không ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi xuất khẩu

Theo VDSC, hai sự kiện đáng chú ý trong tháng qua về tình hình thương mại có thể tác động đến triển vọng thương mại Việt Nam là việc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn với vòng đánh thuế tiếp theo dự kiến sẽ bắt đầu đối với một số loại hàng hóa từ tháng 8/2024 và vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục gây thiếu hụt container, dẫn đến việc giá cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đi Châu Âu và Mỹ có xu hướng tăng mạnh.

Đầu tiên, về vấn đề chiến tranh thương mại, nhóm phân tích cho rằng tác động của vòng đánh thuế mới nhất của Mỹ lên hàng hoá Trung Quốc là không đáng kể với cả hai nước. Tuy nhiên, hàm ý là rất có thể sẽ có những leo thang về chiến tranh thương mại, trước, trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều dùng công cụ đánh thuế như một đòn bẩy để tranh cử. 

Trong trường hợp Trump tái cử, một vòng đánh thuế tiếp theo với mức thuế 60% áp lên hàng hoá Trung Quốc và 10% lên các nền kinh tế khác, ước tính của BNP Paribas cho thấy biện pháp này sẽ khiến cho tăng trưởng GDP của Mỹ và Trung Quốc giảm lần lượt 1 điểm % và 0,4 điểm %, lạm phát Mỹ có thể tăng khoảng 4,5 điểm % trong năm đầu tiên và 0,7 điểm % trong năm thứ 2. VDSC cho rằng điều này tất yếu gây áp lực lên chính sách điều hành của Fed, đồng thời có thể thúc đẩy đà tăng của đồng USD do vấn đề chênh lệch lãi suất. Tăng trưởng của Mỹ giảm và đồng USD mạnh đều không tích cực với Việt Nam. 

Còn trong kịch bản Biden tái cử, thương chiến với Trung Quốc dự kiến sẽ ôn hoà hơn mặc dù chính quyền Biden có thể gia tăng thuế quan với một số mặt hàng mục tiêu của Trung Quốc.

Thứ hai, về vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, VDSC chỉ ra tác động của nó đã khiến giá cước vận chuyển hàng hoá có đợt tăng mạnh thứ hai kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) chỉ tăng từ mức -0,92 trong tháng 4 lên -0,48 trong tháng 5. Mức này vẫn dưới 0 và thấp hơn mức đỉnh gần nhất được thiết lập vào tháng 11/2023. 

“Doanh nghiệp xuất khẩu có thể gặp khó khăn với vấn đề chi phí đầu vào, tuy nhiên, do kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu vẫn có thể cải thiện trong các quý tiếp theo, chúng tôi cho rằng gánh nặng chi phí hiện tại vẫn trong mức quản lý được”, VDSC nhận định.

Ngoài ra, tháng 7/2024 sẽ là thời hạn cuối để Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra kết luận về vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhóm phân tích VDSC nhận định trong kịch bản được công nhận là nền kinh tế thị trường, việc gỡ bỏ những rào cản thuế quan đối với hàng hoá hiện hữu và cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu tại Hoa Kỳ sẽ giúp ích cho triển vọng thương mại trong nước. Ngược lại, ở kịch bản Việt Nam chưa công nhận là nền kinh tế thị trường, xu hướng phục hồi của xuất khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng.