Động lực mua trở lại thị trường hàng hoá
Trong đó, thị trường tập trung chú ý vào nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp với sắc xanh phủ kín bảng giá.
Kỳ vọng lãi suất đạt đỉnh, giá dầu cắt chuỗi giảm 3 ngày
Giá dầu lấy lại động lực tăng trước thông tin của một số Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới cho thấy lãi suất có thể đã đạt đỉnh. Dầu WTI sau khi rơi xuống 80 USD/thùng đã bật tăng nhờ lực mua kỹ thuật, chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 2,51% lên 82,46 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên tăng 2,62% lên mức 86,85 USD/thùng.
Ngày 2/11, lần thứ hai, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% trong cuộc họp Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) tháng 11/2023. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã giữ nguyên mức lãi suất lần thứ hai, và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất không đổi sau 10 lần tăng liên tiếp.
Thị trường kỳ vọng giai đoạn tăng lãi suất đang dần đến hồi kết, làm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế. Điều này củng cố dòng tiền rủi ro quay lại thị trường, chứng khoán Mỹ tăng điểm và giá dầu cũng nhận được lực mua mạnh mẽ tương tự.
Ngoài ra, 6 nhà phân tích từ Reuters cho biết quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia có thể sẽ xác nhận lại gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12. Một số khác vừa đồng thuận với ý kiến trên vừa cho biết về việc duy trì cắt giảm sau tháng đó.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo giá dầu Brent năm 2024 là 98 USD/thùng nhờ các yếu tố cung cầu cơ bản. StanChart dự báo thị trường sẽ thâm hụt trong hai quý đầu năm 2024, và thặng dư trong nửa cuối năm. Ngân hàng cho biết OPEC có thể vẫn thực hiện mục tiêu ổn định giá cả nên nguồn cung của thị trường năm 2025 có thể bị thắt chặt hơn.
Tồn kho dầu toàn cầu dự báo sẽ giảm 120 triệu thùng trong quý IV, bên cạnh mức giảm 172 triệu thùng trong quý III. Nhu cầu dầu toàn cầu dự báo sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Việc thắt chặt nguồn cung vẫn để lại rủi ro thâm hụt trên thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá dầu tăng trở lại trong ngày giao dịch hôm qua.
Tồn kho xuống đáy, giá cà phê Arabica tăng mạnh
Kết thúc ngày giao dịch 2/11, giá bông đã tăng nhẹ 0,45% sau 4 ngày giảm liên tiếp. MXV cho biết đồng USD yếu đi kết hợp cùng dữ liệu bán hàng tích cực đã thúc đẩy giá đi lên.
Cùng với đó, giá dầu cọ tăng mạnh 2,6% trong phiên hôm qua nhờ việc gia hạn hạn chế xuất khẩu tại Indonesia. Quan chức thuộc Bộ Thương mại Indonesia cho biết nước này sẽ tiếp tục thực hiện chính sách chính sách nghĩa vụ thị trường dầu cọ đến năm 2024 để duy trì sự ổn định giá dầu ăn trong nước.
Tâm điểm chú ý của thị trường nguyên liệu công nghiệp hướng đến giá cà phê khi giá Arabica tăng vọt 3,47% so với tham chiếu. Tồn kho trên Sở ICE cùng Dollar Index đồng loạt giảm sâu tạo hỗ trợ kép, thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này.
Trong báo cáo chốt ngày 2/11, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục giảm thêm 11.933 bao loại 60kg, đưa tổng số bao cà phê đang lưu giữ về mức 368.100. Đây là lượng cà phê lưu trữ thấp nhất ghi nhận kể từ tháng 5/1999.
Cùng với đó, chỉ số Dollar Index giảm 0,71% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định duy trì mức lãi suất 5,25-5,5% tại cuộc họp mới nhất, khiến dòng tiền chuyển từ các tài sản trú ẩn sang các thị trường khác như chứng khoán hay hàng hóa. Việc Dollar Index giảm sâu cũng khiến nông dân Brazil hạn chế bán hàng.
Trong khi đó, giá Robusta chỉ tăng nhẹ do kỳ vọng thu hoạch cà phê ở Việt Nam diễn ra thuận lợi và nguồn cung mới sớm đẩy ra thị trường. Cùng chung xu hướng giá thế giới, ghi nhận sáng nay trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng nhích nhẹ 100 đồng/kg, đưa mức thu mua cà phê trong nước lên 57.000-57.900 đồng/kg. So với hai tháng trước, giá cà phê nội địa đã giảm đến gần 10.000 đồng/kg.