Đồng Nai: Cụm nhà xưởng "nhiều không" quy mô ngang nhiên `mọc` trên đất rừng sản xuất

17:16 | 23/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
1,6 ha đất rừng sản xuất bỗng nhiên biến thành cụm nhà xưởng sản xuất đồ gỗ quy mô, bề thế hoạt động rầm rộ suốt một thời gian dài tại phường Hố Nai, TP Biên Hòa nhưng bị cơ quan chức năng xử lý.
Thời gian qua, chính quyền các phường, xã của TP.Biên Hòa đã xử lý nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng. Trong đó, ngoài việc yêu cầu tháo dỡ công trình, các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình xây dựng trái phép phải trả lại hiện trạng đất như ban đầu.  Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân đến Doanh Nhân Việt Nam thì vẫn còn một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng chưa bị xử lý. 
 
Một trong những công trình vi phạm nghiêm trọng là xưởng sản xuất đồ gỗ, bàn ghế đang hoạt động được xây dựng ngay tại khu đất rộng 16.078,5m2 thuộc tờ 4 thửa 29 thuộc phường Hố Nai do bà Nguyễn Thị Hồng Quế là chủ sử dụng. 
 
Theo tìm hiểu của Phóng viên Doanh Nhân Việt Nam, khu đất rộng lớn này hiện vẫn thuộc dạng đất rừng sản xuất đang quy hoạch đất khu vui chơi, giải trí công cộng 4.370.5 m² và đất có mặt nước chuyên dùng 11.978.7m² theo quyết định công bố quy hoạch số 4738/QĐ-UBND ngày 27/12/2017. 
 
Đồng Nai: Cụm nhà xưởng nhiều không quy mô ngang nhiên `mọc` trên đất rừng sản xuất - ảnh 1
Ảnh vệ tinh khu xưởng chiếm gần hết khu đất rộng 1,6ha hình thành trên đất rừng sản xuất. 
 
Theo phản ánh của một số người dân ở đây thì khu nhà xưởng này đã đi vào hoạt động được một thời gian. Và theo quan sát thực tế của Phóng viên Doanh Nhân Việt Nam tại thực địa, khu nhà xưởng này đã được xây dựng rất quy mô. Trong đó, phần diện tích nhà xưởng lên đến hàng ngàn mét sàn, có đường ô tô đi xuyên qua, các khu chức năng....
 
Đồng Nai: Cụm nhà xưởng nhiều không quy mô ngang nhiên `mọc` trên đất rừng sản xuất - ảnh 2
 
Đồng Nai: Cụm nhà xưởng nhiều không quy mô ngang nhiên `mọc` trên đất rừng sản xuất - ảnh 3
 
Đồng Nai: Cụm nhà xưởng nhiều không quy mô ngang nhiên `mọc` trên đất rừng sản xuất - ảnh 4
 Một số hình ảnh khu nhà xưởng xây dựng trái phép mà PV ghi nhận. Ảnh: Quốc Vũ)
 
Luật sư Phạm Duy Hiển (Văn phòng Luật sư Phạm Duy, Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Nếu những thông tin phản ánh của Phóng viên là chính xác thì công trình này vi phạm một loạt các quy định pháp luật, cụ thể:
 
Theo quy định tại khoản 3, Điều 12, Luật đất đai 2013 sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi bị nghiêm cấm. Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 57 Luật Đất đai 2013 muốn chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì bắt buộc phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Đối với khu nhà xưởng này rõ ràng là tự tự ý chuyển đất trồng rừng sản xuất sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 200 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, điều 11 Nghị định 91/2019. Cùng với đó là biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 4, Điều 11, cùng Nghị định 91/2019. 
 
Còn đối với hành vi không lập dự án xây dựng nhà xưởng sẽ bị xứ lý theo khoản 1, Điều 50, Luật Xây dựng 2014. Theo đó, đáng lẽ trước khi đầu tư xưởng sản xuất bàn ghế gỗ bắt buộc phải lập dự án nhưng hiện tại cụm nhà xưởng ở tờ 4 thửa 29 chưa lập dự án, chưa được phê duyệt mà đã được và đưa vào hoạt động nên hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 11, Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
 
Ngoài ra công trình này còn bị xử phạt với hành vi không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vì theo quy định tại số thứ tự 59, phụ lục 2, Nghị định 18/2015/NĐ-CP thì dự án xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ quy mô kho, bãi, nhà xưởng từ 10.000m2 trở lên bắt buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khu nhà xưởng này do chưa lập dự án thì chắc chắn chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 120 – 200 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 4, Điều 11, Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Ngoài phạt tiền, cơ sở này còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 03 - 12 tháng để khắc phục vi phạm cùng với đó là biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, khoản 6 và khoản 7, Điều 11 cùng Nghị định.
 
Và cuối cùng là hành vi xây dựng không phép. Theo quy định tại khoản 1, Điều 89, Luật Xây dựng 2014 thì trước khi xây dựng, công trình phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Mà việc xây dựng nhà xưởng kể trên là công trình bắt buộc phải lập dự án theo quy định tại khoản 1, Điều 50, Luật Xây dựng. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 15, Nghị định 139/2017. Kèm theo đó chủ đất của các công trình này sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng sai phạm theo quy định tại điểm d, khoản 11, Điều 15 cùng Nghị định. 
Đông Loan

ĐỌC NHIỀU