Dòng tiền 'thông minh' có thể tìm đến thị trường chứng khoán trong tương lai
Tác động của chính sách tiền tệ thường có độ trễ
Theo ông Hinh, bất chấp thông tin hỗ trợ đến từ việc Ngân hàng Ngân hàng quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 kể từ đầu năm 2023, chỉ số VN-Index vẫn giảm nhẹ trong tuần vừa qua.
Tuy nhiên nhà đầu tư không nên thất vọng bởi vì tác động của chính sách tiền tệ thường có độ trễ. Về trung và dài hạn, việc lãi suất hạ nhiệt sẽ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.
Lãi suất hạ nhiệt giúp giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán, đồng thời làm giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp, từ đó cải thiện lợi nhuận (earnings) của thị trường. Xu hướng lãi suất và thu nhập thị trường vận động tích cực hơn sẽ tạo sức bật cho thị trường chứng khoán.
Do đó, mặc dù việc giảm lãi suất chưa tác động tích cực ngay lên diễn biến thị trường, nhà đầu tư cần nhìn nhận đây lại là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với mức giá hấp dẫn nhằm "đón đầu" giai đoạn phục hồi của thị trường trong thời gian tới.
Vì vậy, ông Hinh cho rằng nếu thị trường tiếp tục giao dịch gần vùng hỗ trợ 1.050 - 1.060 thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể xem xét giải ngân mới và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và đang có sức mạnh giá trội hơn so với mặt bằng chung như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) và năng lượng (điện, dầu khí).
"Nhà đầu tư lưu ý vẫn chưa nên sử dụng đòn bẩy (margin) ở thời điểm hiện tại do thị trường vẫn chưa bước vào xu hướng tăng mạnh", ông Hinh khuyến nghị.
Nhóm phân tích từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, sau đợt giảm lãi suất điều hành ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng thương mại đồng thuận từ ngày 29/5, giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
Đây tiếp tục là tín hiệu tích cực thể hiện chính sách nhất quán của Ngân hàng Nhà nước trong việc kéo giảm chi phí lãi vay của nền kinh tế, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân ở mức lãi suất thấp hơn.
Về diễn biến thị trường trong tuần qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua giằng co trong biên độ hẹp trong khoảng 1.058 - 1.073 điểm bất chấp thông tin tích cực rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm một số lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản.
Kết thúc tuần giao dịch từ 22 - 26/5, chỉ số VN-Index giảm 0,3% về mức 1.063,8 điểm. Chỉ số UPCOM-Index cũng giảm 0,6% trong tuần qua về mức 80,6 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index lại có mức tăng ấn tượng 1,8% lên mức 217,4 điểm
Thanh khoản giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm 2,3% so với tuần trước về mức 14.552 tỷ đồng/phiên.
Thông tin hỗ trợ đến từ việc Quy hoạch điện VIII chính thức được ban hành đã hỗ trợ xu hướng tang điểm của nhóm cổ phiếu ngành điện trong tuần qua như PGV tăng 9,6%, BCG tăng 7,0%. REE tăng 4,8%, NT2 tăng 3,6%.
Đồng thời, những cổ phiếu nhóm đầu tư công như CII tăng 15%, HHV tăng 8,7% và VCG tăng 6,4%. Đây là mức tăng giá ấn tượng trong tuần vừa qua, nhờ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về giải ngân đầu tư công.
Tuy vậy, thị trường vẫn không thể bứt phá do lực cản đến các cố phiếu vốn hóa hàng đầu, có ảnh hưởng lớn lên chỉ số như VCB giảm 2,3%, VIC giảm 1,0%, HPG giảm 3,2%, VNM giảm 2,2% và GAS giảm 1,3%. Ngành ngân hàng cũng vận động kém tích cực khi BID giảm 2,2%, VPB giảm 0,8%, CTG giảm 0,7%...
Chuyên gia từ Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, giao dịch khối ngoại là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nướcc trong tuần. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng 5 phiên với tổng giá trị 2.330 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị bán ròng của khối ngoại duy trì khá đều trong 5 phiên cho thấy rủi ro diễn biến bán ròng vẫn chưa chấm dứt. Ba cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong tuần lần lượt là VND (340 tỷ đồng), HPG (329 tỷ đồng) và VNM (315 tỷ đồng.
Chứng khoán thế giới đi lên phiên cuối tuần
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới diễn biến ảm đạm trong hầu hết các phiên tuần qua. Tuy vậy, đến cuối tuần hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 26/5, thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc sau một tuần ảm đạm trong bối cảnh nguy cơ vỡ nợ đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc khi nhà đầu tư hy vọng vào triển vọng Nhà trắng đạt được thoả thuận tăng trần nợ công và các cơ hội phát triển của công nghệ AI.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng thêm 1% lên 33.093,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,3% lên mức 4.205,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 2,19% lên 12.975,69 điểm.
Mike Wilson, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Mỹ của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định rằng, các nhà đầu tư dường như đang lạc quan hơn so với đầu tháng 12/2022 nhờ kỳ vọng vào xu hướng công nghệ AI.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 26/5, thị trường chứng khoán châu Á cũng hầu hết tăng điểm, giữa những hy vọng về một thỏa thuận tăng trần nợ tại Mỹ và sức bật của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,37% lên 30.916,31 điểm, nhờ đà tăng giá của nhóm cổ phiếu công nghệ và xu hướng yếu đi của đồng yen so với đồng USD.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,4% lên 3.212,50 điểm. Phiên này, thị trường Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.