Dự án Luật Chăn nuôi cần bổ sung, sửa đổi phù hợp khi áp dụng vào thực tế

18:41 | 07/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thảo luận về Dự án Luật Chăn nuôi, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia nông nghiệp khuyến nghị cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp khi áp dụng vào thực tế để khắc phục nhiều điểm yếu quan trọng.

Dự án Luật Chăn nuôi cần bổ sung, sửa đổi phù hợp khi áp dụng vào thực tế - ảnh 1
(Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 
Sáng 7/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Chăn nuôi và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng Dự án Luật Chăn nuôi được thông qua sẽ chấm dứt tình trạng tăng đàn bừa bãi, đầu ra bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái... vốn vẫn là những bất cập bấy lâu nay của ngành chăn nuôi. Nếu như trước kia, bất cứ tổ chức, cá nhân nào có đất, có vốn và đảm bảo yếu tố môi trường là có thể bắt tay vào chăn nuôi nhưng theo dự thảo luật mới, muốn mở trang trại chăn nuôi lớn, người dân cần phải tuân thủ một số điều kiện chặt chẽ, đặc biệt phải có giải pháp về thị trường.

Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, Dự án Luật Chăn nuôi sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi phát triển theo chuỗi liên kết từ người chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến phân phối; nghiêm cấm chăn nuôi thương mại trong nội thành, nội thị; còn ở nông thôn cho chăn nuôi nông hộ, không cho chăn nuôi trang trại. Điều này sẽ khắc phục đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải của chăn nuôi.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, các khuyến nghị đều tập trung vào việc Dự án Luật Chăn nuôi cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp khi áp dụng vào thực tế.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh so với dự thảo luật được trình ra tại kỳ họp thứ 5, dự thảo luật lần này đã được rà soát, sắp xếp lại và bổ sung nhiều nội dung phù hợp, rõ ràng; phân định cụ thể các chính sách về đầu tư, chính sách hỗ trợ theo từng thời kỳ, khả năng của ngân sách và chính sách khuyến khích đầu tư; tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện dễ dàng, thống nhất và mang tính khả thi cao.

Dự án Luật Chăn nuôi cần bổ sung, sửa đổi phù hợp khi áp dụng vào thực tế - ảnh 2
ĐB Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN 
Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực giống, dự thảo luật có nêu: "quan tâm đến bảo tồn giống vật nuôi quý, hiếm, giống bản địa và phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh", quy định như thế là chưa đủ.

Một trong những vấn đề cần quan tâm là việc nghiên cứu để tạo ra những giống mới, đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng và hiệu quả của vật nuôi cũng là một vấn đề cần phải có chính sách quan tâm đầu tư.

Cùng với đó, cần bổ sung nội dung cấm sản xuất sản phẩm giả, không bảo đảm chất lượng sử dụng trong chăn nuôi vào dự thảo luật.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) kiến nghị nếu Luật Chăn nuôi ra đời thì các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư cần phải tránh tình trạng các văn bản dưới Luật còn nhiều điều khoản bất hợp lý, không phù hợp, gây khó khăn khi triển khai. Đồng thời, giảm các thủ tục hành chính.

Tại thời điểm diễn ra Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp cho rằng dự thảo luật có quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc ban hành Danh mục kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Đây là việc làm cần thiết, phổ biến theo thông lệ quốc tế, để đảm bảo an toàn cho sản xuất và người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh và thuận lợi cho công tác kiểm soát, xử phạt trên thị trường và trong sản xuất.

Dự án Luật Chăn nuôi cần bổ sung, sửa đổi phù hợp khi áp dụng vào thực tế - ảnh 3
Ông Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp. Nguồn: Internet.
 Điểm cần thận trọng là phần quy định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm về việc ban hành Danh mục kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam căn cứ kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc kết quả rà soát, điều tra, đánh giá thực tiễn.

Nhiệm vụ này cần để kiểm soát các loại vật tư, thức ăn, thuốc men mới được chế tạo, thử nghiệm trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi trong sản xuất. Tuy nhiên, đối với nhiều loại thức ăn, hoặc thuốc, chế phẩm đã được sử dụng phổ biến, an toàn trong nước và quốc tế một cách rộng rãi từ trước đến nay, yêu cầu này có thể trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh khi phải được cấp phép, phải đợi thử nghiệm, điều tra. Đồng thời, gây quá tải cho các cơ quan giám sát, kiểm tra, làm họ không tập trung được năng lực vào các nhiệm vụ cần thiết, tạo nên những thủ tục không cần thiết, dẫn đến xin cho, tham nhũng.

Ông Sơn cũng lưu ý quy định về vị trí và khoảng cách giữa các cơ sở chăn nuôi nhằm bảo vệ cho người dân ở khu dân cư khỏi tình trạng ô nhiễm trong dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho các trang trại và doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi ở những vùng đông dân vì khó tìm được vị trí xây dựng trại chăn nuôi cách xa các trại chăn nuôi khác, xa các khu dân cư mà lại không gần hệ thống giao thông hoặc hệ thống cung cấp nước.

Theo ông Sơn, không thể trông chờ vào việc hình thành Luật Chăn nuôi để giải quyết những vấn đề căn bản của ngành chăn nuôi, ví dụ như an toàn thực phẩm, niềm tin của người tiêu dùng, cũng như tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất.

Muốn thực sự giúp thay đổi mạnh mẽ ngành chăn nuôi, thúc đẩy sự cạnh tranh của ngành, cần có những đột phá trong chính sách, thể chế kèm theo những thay đổi quan trọng trong các luật khác.

Những điểm yếu quan trọng trong khâu giống cần đổi mới về Luật Ngân sách, khoa học công nghệ; điểm yếu về sản xuất nhỏ lẻ cần thay đổi về Luật Đất đai, về hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư; điểm yếu về chuỗi giá trị cần cải thiện các Luật Hiệp hội, về phát triển thị trường.

Dự án Luật Chăn nuôi được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 7 chương, 82 điều quy định về chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này gồm quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi theo hướng phân định các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ; có chính sách đủ mạnh để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi (Điều 4); Bổ sung, chỉnh lý quy định cụ thể và rõ ràng hơn các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12); Quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu (Điều 19); Bổ sung, chỉnh lý quy định về thức ăn chăn nuôi thương mại (Điều 32); Quy định các điều kiện cụ thể về bảo vệ môi trường đối với chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ (Điều 53 – Điều 61)…

Theo chương trình, dự án Luật Chăn nuôi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.