Dự báo tăng trưởng toàn cầu: Nhiều dữ liệu quốc gia tệ hơn IMF dự đoán

16:56 | 13/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong một hội nghị trực tuyến, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho hay dữ liệu của nhiều quốc gia còn tệ hơn cả những dự đoán vốn đã khá bi quan của IMF.

Dự báo tăng trưởng toàn cầu: Nhiều dữ liệu quốc gia tệ hơn IMF dự đoán - ảnh 1
Công nhân làm việc tại phân xưởng một nhà máy sản xuất nguyên liệu mới ở Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc ngày 16/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) 
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 12/5 cho biết "rất có thể" tổ chức này sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu sâu hơn nữa, giữa lúc đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế ở mức nặng nề hơn dự kiến trước đây.

Trong một hội nghị trực tuyến, bà Georgieva cho hay dữ liệu của nhiều quốc gia còn tệ hơn cả những dự đoán vốn đã khá bi quan của IMF.

Điều này nhiều khả năng khiến bản cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF trong tháng 6 có thêm nhiều tin tức không mấy tốt lành cho cả năm 2020.

Cách đây một tháng, IMF dự báo rằng việc các hoạt động kinh doanh phải tạm dừng và các biện pháp phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19 sẽ đẩy thế giới vào thời kỳ suy thoái sâu sắc nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930.

Khi đó, IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay.

Theo kịch bản cơ bản với dự báo ảnh hưởng của đại dịch sẽ giảm dần vào nửa cuối năm, IMF nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại 5,8% vào năm 2021. Nhưng IMF cũng cho biết ước tính của họ khá “bấp bênh” và phụ thuộc vào những số liệu mới.

Kể từ bản dự báo tháng Tư, Mỹ đã báo cáo mất 20,5 triệu việc làm trong tháng Tư với tỉ lệ thất nghiệp tăng lên mức 14,7%. Một số quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng số liệu việc làm tháng Năm của nước này có thể còn tồi tệ hơn.

GDP của Mỹ trong quý I/2020 cũng đã giảm mạnh ở mức 4,8%, khi dịch COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm hạn chế hoạt động đầu tư và mua sắm. Đây là lần đầu tiên GDP của Mỹ giảm kể từ quý I/2014 và là mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ con số 8,4% ghi nhận hồi quý IV/2008.

Bà Georgieva cho biết các số liệu ngày càng tồi tệ cũng có nghĩa các thị trường mới nổi cùng những nền kinh tế đang phát triển sẽ cần hơn 2.500 tỷ USD hỗ trợ tài chính bổ sung để giải quyết tác động của đại dịch.

Tuy nhiên, bà Georgieva cũng cho biết một tháng sau các cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), các thành viên IMF vẫn chưa đạt được thỏa thuận về vấn đề Quyền rút vốn đặc biệt - một biện pháp từng được sử dụng hồi năm 2009 và có khả năng cung cấp hàng trăm tỷ USD thanh khoản mới cho tất cả các thành viên IMF.

Hiện hơn 300 nghị sĩ đang kêu gọi IMF và WB xóa bớt nợ cho các nước nghèo. Hơn 300 nhà lập pháp từ khắp nơi trên thế giới ngày 13/5 đã kêu gọi IMFvà WB xóa bớt nợ cho các nước nghèo trên thế giới, nhằm hỗ trợ chính phủ các nước này ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời tăng cường các nguồn quỹ để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Các nghị sĩ từ 20 nước thuộc tất cả các châu lục trên thế giới nhấn mạnh rằng cần xóa bỏ lãi các khoản nợ của các nước nghèo nhất trên thế giới, thay vì đơn giản là tạm hoãn, theo như thỏa thuận của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng Tư vừa qua.

Họ nhất trí cho rằng nếu quyết định xóa các nghĩa vụ thanh toán nợ không được đưa ra, các nước nghèo sẽ không thể ưu tiên toàn lực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, qua đó có thể dẫn đến sự gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng và thị trường tài chính toàn cầu.

Các nhà lập pháp cũng kêu gọi Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch WB David Malpass hỗ trợ tạo ra các Quyền rút vốn đặc biệt trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Sáng kiến trên do Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders và đại diện của Đảng Dân chủ Ilham Omar thuộc bang Minnesota đưa ra, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi sẽ bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.