Dự báo triển vọng kinh doanh của Vinamilk sáng dần về cuối năm, lãi ròng bình quân 26 tỷ đồng mỗi ngày

Trang Mai 16:06 | 09/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chiếm hơn 50% thị phần sữa trong nước, kết quả kinh doanh kém sắc của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) trong năm 2022 đã phần nào phản ánh tình trạng khó khăn của toàn ngành sữa. Bước sang năm 2023, trong một kịch bản khả quan, chứng khoán MAS dự phóng rằng Vinamilk sẽ thu lãi sau thuế hơn 9.500 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2022 chưa được như kỳ vọng

Theo báo cáo thị trường do hãng Research and Markets công bố cuối năm 2021, ngành công nghiệp sữa và các chế phẩm từ sữa của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, từ 4,4 tỷ USD năm 2017 lên 8,4 tỷ USD năm 2021. Giá trị sữa và chế phẩm từ sữa nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2021 là 11,8 tỷ USD. Dự báo mỗi năm tăng 12,4% cho đến năm 2031.

​​Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng sữa nước của Việt Nam năm 2021 ước đạt hơn 1,77 tỷ lít, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu thị trường sữa Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 113.700 tỷ đồng và năm 2021 ước đạt 119.300 tỷ đồng.

Thế nhưng bước sang 2022, nhất là 2 quý cuối năm, tình hình kinh tế thế giới có nhiều xáo trộn, việc tăng mạnh giá nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu giảm sút,... đã ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành sữa Việt.  

Là doanh nghiệp đứng đầu thị trường sữa Việt Nam với trên 50% thị phần, sự chậm bước trong kết quả kinh doanh năm 2022 đã phần nào phản ánh thực tế đầy khó khăn của ngành. 

Trong quý IV/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế (LNST) của Vinamilk đạt lần lượt 15.069 tỷ đồng, giảm 4,7% và 1.869 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu thuần nội địa (bao gồm Mộc Châu Milk (MCM) giảm 1,7% xuống 12.800 tỷ đồng do sức mua giảm ở phân khúc phổ thông và ảnh hưởng của việc sắp xếp lại hệ thống phân phối. 

Dù giá vốn nguyên liệu bột sữa giảm đáng kể so với cùng kỳ nhưng biên lãi gộp cũng giảm xuống 38,8% trong quý IV/2022 - mức thấp nhất kể từ năm 2015. Theo Vinamilk, nguyên nhân là do công ty ghi nhận trước lượng hàng tồn kho giá cao. 

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và LNST hợp nhất của Vinamilk đạt lần lượt gần 60.000 tỷ đồng, giảm 1,6% và 8.578 tỷ đồng, giảm 19%. Trong năm 2022, Vinamilk đặt kế hoạch tổng doanh thu 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.770 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 94% kế hoạch tổng doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận.

 

Động lực tăng trưởng đến từ mở rộng trang trại, gia tăng số lượng bò sữa

Theo thống kê từ Mirae Asset (MAS), dự án trang trại Lao-Jagro của Vinamilk đã đi vào hoạt động năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ nhập khẩu đàn bò bị chậm so với dự kiến do Lào nới lỏng giãn cách trễ hơn Việt Nam. Hiện trang trại chỉ mới có hơn 1.000 con bò nhập từ Mỹ và chưa cho sữa (kế hoạch Giai đoạn 1 với tổng 24.000 con bò). Công ty đang lên kế hoạch nhập thêm 4.000 con trong năm nay. 

Chuyên gia kỳ vọng khoảng 13% lượng bò sữa thuộc Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu cho sữa trong 2023. Theo đó, khả năng tự chủ nguyên liệu đầu vào cải thiện thêm 50 điểm cơ bản lên 29,3% trong 2023. 

Dự án bò thịt Sojitz dự kiến khởi công vào tháng 3/2023 và sẽ đi vào hoạt động trong 2025 (trễ hơn kế hoạch ban đầu là cuối 2023). 

Ngoài ra, ban lãnh đạo đặt mục tiêu nâng số lượng cửa hàng từ 650 lên 1.000 trong 2 năm tới.

Với giả định công ty không tăng giá bán do áp lực lạm phát vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm,  MAS dự phóng doanh thu thuần năm 2023 của Vinamilk tăng 2% lên 61.263 tỷ đồng. LNST cả năm 9.540 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày lãi hơn 26 tỷ đồng, tăng 11% so với kết quả đạt được trong năm ngoái.  

 

 Nguồn: VNM, MAS

Biên lãi gộp hợp nhất dự phóng giảm xuống 41,3% trong 2023, so với 43,3% trong năm 2022 do công ty khẳng định nguyên liệu đầu vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm vẫn có chi phí cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Sau đó, MAS cho rằng biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện đáng kể từ quý III/2023. 

Cùng chung dự phóng tăng trưởng, trong báo cáo ngày 7/3, chứng khoán BSC Research dự báo doanh thu thuần và LNST năm 2023 của Vinamilk đạt lần lượt là 60.732 tỷ, tăng 1,3% và 9.417 tỷ, tăng 9,8% so với năm 2022. Với dự phóng lợi nhuận của BSC, Vinamilk cũng có triển vọng đạt lãi ròng bình quân gần 26 tỷ đồng/ ngày.

Nguồn: BSC Research

Đơn vị này cũng nhận định kết quả kinh doanh của Vinamilk sẽ phân hoá thành hai giai đoạn do tác động của thời điểm chốt giá nguyên vật liệu. Hết quý I, doanh nghiệp có thể tiếp tục gặp khó khăn với sức mua duy trì ở mức thấp và biên lợi nhuận chưa có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.

Hết quý II/2023, doanh số nội địa kỳ vọng tăng trưởng đặc biệt tại phân khúc phổ thông nhờ hiệu quả của việc tái cấu trúc và số hóa kênh phân phối và thu nhập tiếp tục có xu hướng phục hồi nhu cầu phục hồi so với cuối quý IV/2022.