Vinamilk: Lãi 9 tháng vượt 7.300 tỷ, trích lập giảm giá 70% cho đầu tư chứng khoán
Hoàn thành 78% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng
Trong quý III, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần 15.537 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường quốc tế vẫn là điểm sáng trong tăng trưởng của Vinamilk khi đạt doanh thu thuần 2.609 tỷ đồng, tăng 9,4%, và đánh dấu quý thứ năm liên tiếp tăng trưởng.
Xuất khẩu trực tiếp đóng góp 1.375 tỷ đồng, tăng 10,3%, tiếp tục xu hướng tăng hai chữ số từ quý II. Các chi nhánh nước ngoài cũng đạt doanh thu 1.234 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, thị trường trong nước ghi nhận doanh thu gần 13.000 tỷ đồng, giảm 2,4%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của bão Yagi làm thay đổi hành vi tiêu dùng.
Biên lợi nhuận gộp trong quý này đạt 41,2%, giảm nhẹ so với quý II (42,4%) và cùng kỳ năm trước (41,9%), do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh trong nước.
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không có nhiều biến động, chiếm 24,2% doanh thu.
Sau thuế, Vinamilk ghi nhận lợi nhuận quý III đạt 2.403 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ. So với quý II trước đó, mức giảm này lên tới 10%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinamilk đạt tổng doanh thu 46.306 tỷ đồng và lợi nhuận ròng gần 7.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa chiếm 82%. Sau 3 quý, công ty đã hoàn thành 78% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong năm nay, công ty dự báo tăng trưởng sẽ đến từ việc phục hồi tâm lý tiêu dùng trong nước và duy trì đà phát triển ở các thị trường xuất khẩu. Biên lợi nhuận gộp sẽ được hỗ trợ nhờ vào cơ cấu sản phẩm cải thiện và tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Về nguồn nguyên liệu, Vinamilk cho biết giá sữa nguyên liệu trong năm 2024 nhìn chung ổn định. Để duy trì lợi thế chi phí, công ty đã chủ động tăng mua các nguyên liệu quan trọng khi giá còn tốt, nhằm tối ưu hóa cho các quý tiếp theo.
Điều này giúp Vinamilk tự tin vào khả năng phục hồi biên lợi nhuận gộp trong năm nay, cùng với lợi ích kinh tế từ quy mô và biên lợi nhuận gộp được mở rộng nhờ tăng trưởng doanh thu.
Ghi nhận trong hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS & SSI tổ chức, công ty chứng khoán này thông tin trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Vinamilk trong quý II có diễn biến tích cực, các nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới, từ cả thị trường nội địa cũng như triển vọng xuất khẩu.
Trong khi thị phần nội địa tổng thể tiếp tục tăng nhẹ, tốc độ tăng trưởng chậm lại do thị trường đã đạt điểm bão hòa, và cạnh tranh nội địa đối với sữa nước vẫn ở mức cao.
Đối với xuất khẩu, Vinamilk đang thâm nhập vào những thị trường mới (mặc dù nhỏ) như thị trường Châu Phi, do nền tảng dân số cao hơn và môi trường cạnh tranh thấp hơn.
Doanh nghiệp dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy tại Hưng Yên vào cuối năm 2024, và đi vào hoạt động vào năm 2026. Nhà máy này sẽ góp 10% công suất.
SSI Research kỳ vọng nhà máy tại tỉnh Hưng Yên sẽ thúc đẩy doanh thu trong khu vực miền bắc, cũng như giảm chi phí vận chuyển cho công ty này trong thời gian tới.
Đầu tư chứng khoán hơn 1.200 tỷ nhưng trích lập dự phòng đến hơn 850 tỷ
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Vinamilk đạt gần 58.000 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn lên tới hơn 29.000 tỷ, chiếm tới một nửa tổng tài sản. Khoản tiền gửi này đã mang về cho doanh nghiệp hơn 1.040 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng, tương đương mỗi tháng Vinamilk có hơn 115 tỷ đồng từ tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng.
Hàng tồn kho với chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phẩm ghi nhận hơn 6.100 tỷ đồng, dự phòng giảm giá 29 tỷ.
Đáng chú ý, trong các khoản đầu tư ngắn hạn, Vinamilk rót 1.209 tỷ đồng vào cổ phiếu. Tuy nhiên tính đến cuối quý III, khoản trích lập dự phòng giảm giá lên tới 851 tỷ đồng, tương đương hơn 70% giá trị đầu tư ban đầu. Khoản dự phòng này tăng 3,3% so với đầu năm. Các mã đầu tư không được doanh nghiệp thuyết minh cụ thể.
Về nợ phải trả, Vinamilk ghi nhận 22.433 tỷ đồng, trong đó có hơn 8.400 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Trong 9 tháng, chi phí lãi vay ghi nhận 213 tỷ đồng.