Quỹ ngoại Platinum Victory vẫn miệt mài gom cổ phiếu Vinamilk (VNM)
Theo đó, quỹ ngoại đến từ Singapore thông báo tiếp tục đăng ký mua 20.899.554 cổ phiếu VNM theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian giao dịch từ ngày 8/3 đến ngày 6/4/2023.
Người nội bộ có liên quan tại VNM là ông Alain Xavier Cany - Thành viên HĐQT VNM.
Nếu giao dịch thành công, quỹ Platinum Victory sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ tại VNM từ gần 221,86 triệu cổ phiếu tương đương 10,62% vốn lên mức 242,76 triệu cổ phiếu, tương đương 11,62% vốn.
Trước đó, quỹ này cũng đăng ký mua một lượng tương tự cổ phiếu VNM với thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 1/2 đến 2/3/2023, nhưng không mua thành công cổ phiếu nào do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Trong một diễn biến khác, một quỹ ngoại khác từ Singapore là quỹ F&N Dairy Investments Pte.Ltd cũng đã đăng ký mua vào 20.899.554 cổ phiếu VNM từ ngày 10/2 đến ngày 10/3/2023, qua đó dự kiến nâng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 390,7 triệu đơn vị, ứng với 18,69% vốn.
Động thái được thực hiện sau khi quỹ này đăng ký mua một lượng tương tự cổ phiếu VNM với thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 6/12/2022 đến 4/1/2023, nhưng cũng không thể hoàn tất giao dịch với lý do điều kiện thị trường không phù hợp.
Nhìn chung, ròng rã nhiều tháng qua, cả hai quỹ ngoại đến từ Singapore đều liên tục đăng ký gom thêm gần 21 triệu cổ phiếu VNM nhưng chưa lần nào thành công.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 đã công bố, VNM báo cáo doanh thu thuần quý IV đạt 15.069 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá vốn tăng nhẹ làm lợi nhuận gộp giảm hơn 13%, xuống 5.846 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 42,5% xuống 38,8%. Trừ đi chi phí, lợi nhuận sau thuế quý IV của VNM giảm 16% so với cùng kỳ, đạt 1.869 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 59.956 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu trong nước chiếm tới 85% với 50.704 tỷ đồng, còn lại 15% tương ứng 9.252 tỷ đồng là doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Đáng chú ý, trong năm 2022, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng gấp 3 lần lên 618 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá và tăng chi phí lãi vay. Điều này góp phần làm giảm lãi ròng của doanh nghiệp tới 19% so với năm 2021, xuống chỉ còn 8.578 tỷ đồng, thấp nhất trong 7 năm.Với con số này, VNM chỉ hoàn thành 88% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022.
Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 2017, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk xuống dưới mốc 10.000 tỷ đồng.