Vinamilk: Lãi gần 25 tỷ mỗi ngày, số dư vay nợ tăng hơn 70%

Trang Mai 15:41 | 31/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả thị trường nước ngoài và nội địa đều tăng trưởng là nhân tố chính giúp CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố mới đây, doanh thu hợp nhất của Vinamilk đạt 15.619 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương trở lại của doanh nghiệp sữa.  

Trong đó, thị trường nước ngoài có mức tăng trưởng gần 12% so với quý IV/2022, đóng góp 2.534 tỷ đồng doanh thu, bao gồm doanh thu xuất khẩu và các chi nhánh nước ngoài. Đối với thị trường lớn nhất – thị trường nội địa, doanh thu đạt 13.085 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2%.

Biên lãi gộp trên 41%, cải thiện hơn 2 điểm % so với quý IV/2022.

 

Doanh thu tài chính gần 429 tỷ đồng, tăng 13%. Ngược lại, chi phí tài chính giảm hơn 40% còn khoảng 119 tỷ đồng. Trong năm 2023, Vinamilk đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, do đó chi phí bán hàng, bao gồm quảng cáo, khuyến mại, nghiên cứu thị trường,... cũng tăng nhẹ so với năm 2022.

 

 Trừ chi phí, doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đạt 2.326 tỷ đồng, tăng hơn 24%.

Luỹ kế năm 2023, doanh thu Vinamilk tăng trưởng nhẹ gần 1%, đạt 60.369 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 3 doanh nghiệp cán mốc doanh thu 60.000 tỷ. Trong đó, doanh thu trong nước chiếm tới 84%.

Lợi nhuận sau thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm trước. Tính trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp sữa thu về 165 tỷ và lãi 24,7 tỷ đồng. 

Với kết quả trên, Vinamilk đã thực hiện được 95% kế hoạch doanh thu và vượt 5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Chứng khoán VCBS phân tích Vinamilk đang dần giành lại thị phần trong bối cảnh tiêu dùng thắt chặt. Theo đó, nền kinh tế chững lại khiến xu thế tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang các mặt hàng có giá cả tầm trung. Cùng đó, doanh số trong quý IV của VNM được thúc đẩy bởi các hoạt động khuyến mãi. 

Dự kiến giá sữa bột vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới do nhu cầu nhập khẩu sữa bột của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm nhờ sản lượng sữa nội địa đã tăng mạnh. Do đó, biên lãi gộp của Vinamilk có thể tiếp tục cải thiện hơn trong thời gian tới. 

Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm, tổng tài sản cuối năm Vinamilk tăng thêm gần 9% lên gần 52.700 tỷ đồng. Công ty tiếp tục duy trì số dư tiền ở mức cao với hơn 2.900 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền; hơn 20.100 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 7% lên 6.530 tỷ đồng, số tiền trích lập dự phòng khó đòi tăng lên gần 15 tỷ. 

Hàng tồn kho tăng 11% lên 6.128 tỷ, chủ yếu là nguyên vật liệu và thành phẩm. Các khoản mục khác biến động không đáng kể.  

Hết năm 2023, doanh nghiệp sữa có tổng nợ 17.648 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, số dư vay nợ là 8.456 tỷ, tăng 71% và chiếm 48% cơ cấu tổng nợ. 

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, Vinamilk đang có một số khoản vay, bao gồm: gần 4.900 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (tăng 117% so với đầu năm); 1.716 USD tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (tăng 49%),... Chi phí lãi vay trong năm 2023 cũng tăng hơn 2 lần so với 2022, tuy nhiên vẫn ít hơn nhiều so với 1.540 tỷ đồng lãi tiền gửi Vinamilk nhận về trong năm 2023.

Trong năm 2023, doanh nghiệp này cũng dành hơn 80 tỷ đồng chi trả thù lao cho lãnh đạo, tuy nhiên khoản mục này không được thuyết minh cụ thể.