Dư địa lớn cho DN Việt đầu tư vào thị trường khó tính bậc nhất-Nhật Bản
Khởi đầu cùng ba điểm "cực hấp dẫn"
Thông qua hàng loạt cuộc tiếp xúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các doanh nghiệp Việt thời gian qua, JETRO đã truyền đi thông điệp: Nhu cầu kêu gọi đầu tư của Nhật Bản đang rất cao, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt nên tận dụng "thời cơ vàng" đó.
Trước hàng trăm doanh nghiệp Việt có mặt tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư, mở rộng kinh doanh với thị trường Nhật Bản” hơn một năm trước, ông Shigeki Maeda, Phó Chủ tịch JETRO Tokyo chia sẻ: Chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe đã tạo ra sự khởi sắc cho kinh tế Nhật Bản, nhưng có một thực tế tồn tại là năng lực của các doanh nghiệp Nhật đang có nhiều vấn đề, hoặc yếu đi. Nhật Bản đang hướng tới kêu gọi đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa vào quốc gia này. “Hãy mở chi nhánh ở Nhật Bản thay vì ở Việt Nam để đạt được những thành công mới”.
Ba điểm "cực hấp dẫn" của thị trường Nhật Bản đối với doanh nghiệp Việt mà ông Shigeki Maeda đưa ra là: Quy mô thị trường lớn và chuyên nghiệp; lĩnh vực du lịch cũng như mảng công nghệ thông tin (IT) đang tạo rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư.
Theo ông Shigeki Maeda, mục tiêu đến năm 2020, lượng khách du lịch đến xứ sở hoa anh đào tăng từ 20 triệu lượt người lên 40 triệu lượt và mục tiêu trở thành xã hội ứng dụng IT mạnh nhất trên thế giới của Nhật Bản là minh chứng rõ nhất cho sự rộng mở đón nhận các doanh nghiệp Việt tại thị trường giàu tiềm năng này.
Trước thềm năm mới 2018, các doanh nghiệp Việt có nhiều hy vọng đầu tư sang Nhật Bản khi một lần nữa, tại Cuộc Họp báo giới thiệu "Chương trình hỗ trợ đầu tư sang Nhật Bản", ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội nhấn mạnh 5 lý do các doanh nghiệp Việt nên đầu tư vào Nhật Bản.
Cụ thể hơn, mặc dù không được ưu đãi về thuế nhưng các doanh nghiệp Việt có thể được chính quyền địa phương của Nhật Bản hỗ trợ kinh phí trong thời gian đầu. “Tỉnh Kagawa có thể hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài đến 2 triệu yên để làm các thủ tục, tạo cơ sở kinh doanh bước đầu”, Kitagawa Hironobu cho biết.
Doanh nghiệp Việt cũng sẽ được cung cấp hoàn toàn miễn phí một số dịch vụ tại Nhật Bản trong quá trình mở văn phòng đại diện, lập chi nhánh, công ty con hoặc pháp nhân tại Nhật, sau khi hoàn thành thủ tục đăng kí với văn phòng JETRO.
Về cơ sở vật chất, doanh nghiệp Việt sẽ được cung cấp văn phòng tạm thời với đầu đủ trang thiết bị như Internet, điện thoại, fax, máy copy trong vòng 50 ngày làm việc tại Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp (IBSC), được đặt tại 6 thành phố lớn là Tokyo, Yokohama, Nagoya, Osaka, Kobe và Fukuoka. Ngoài phòng làm việc riêng cho từ 1 đến 6 người sử dụng, doanh nghiệp còn được sử dụng chung phòng họp, phòng hội thảo, phòng tiếp khách… tại Trung tâm IBSC.
Các Trung tâm IBSC sẽ bố trí chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp theo các lĩnh vực liên quan đến việc đầu tư vào Nhật Bản như: Các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến việc lập pháp nhân nước ngoài tại Nhật Bản; các thủ tục, qui định liên quan đến thuế; các thủ tục liên quan đến tuyển dụng lao động tại Nhật, đến thẻ thường trú, visa; tư vấn thông tin về thị trường có liên quan đến doanh nghiệp; cung cấp dự toán chi phí mở văn phòng, chi nhánh, công ty con; bố trí các cuộc gặp cần thiết giữa doanh nghiệp với quan chức chính phủ, địa phương.
Ngoài ra, JETRO cũng cung cấp thông tin về các ưu đãi (nếu có) của các địa phương dành cho DN; giúp kết nối với các đối tác kinh doanh tiềm năng; giới thiệu các công ty cung cấp dịch vụ về tuyển dụng lao động, cung cấp văn phòng, chỗ ở, công ty kiểm toán…
Những ưu đãi trên đã được nhiều công ty Việt tận dụng hiệu quả để đầu tư tại thị trường Nhật Bản. Điển hình là thành công của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT và Công ty TNHH CMC Global (Tập đoàn Công nghệ CMC). FPT và CMC đã tạo được thế mạnh bước đầu, tiêu biểu cho doanh nghiệp Việt đầu tư tại Nhật Bản.
Phó Chủ tịch JETRO Tokyo, ông Shigeki Maeda, đã nhắc đến FPT như là một ví dụ điển hình về thành công tại Nhật Bản. Nhật Bản là thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, và cũng có mức tăng trưởng cao nhất về doanh thu. FPT kỳ vọng năm 2017, thị trường Nhật Bản đạt doanh thu 200 triệu USD và tạo cơ hội việc làm cho 8.800 người tại Nhật Bản và Việt Nam.
Đầu tư sang thị trường Nhật Bản vào tháng 7.2017, CMC Global đã chọn cho mình hướng đi khác biệt nhưng hợp với xu thế: Chọn lựa cung ứng sản phẩm, dịch vụ ở thị trường nước ngoài, hơn là tập trung vào gia công. CMC Global kỳ vọng đến năm 2020 sẽ đóng góp 30% vào cơ cấu doanh thu, trở thành một trong bốn trụ cột của CMC.
Thành công của FPT và CMC Global tại Nhật Bản là cơ sở quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp Việt, không chỉ trên lĩnh vực IT, tích cực đầu tư ra thị trường nước ngoài trong năm 2018.
Vượt phép thử khó theo cách tiếp cận mới
49 dự án (với tổng vốn 7,5 triệu USD) đầu tư sang Nhật Bản trên tổng khoảng 1.253 dự án (đầu tư tại 74 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn 21,4 tỉ USD) ra nước ngoài của Việt Nam mà Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là con số còn rất khiêm tốn.
Để chinh phục được một trong những thị trường khó tính nhất thế giới-Nhật Bản, lời khuyên mà Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội đưa ra cho các doanh nghiệp Việt là: "Chúng ta phải khởi đầu vì mục tiêu, cơ hội cho 5 -10 năm sau".
Doanh nghiệp Việt phải vượt được những trở ngại về văn hoá, ý thức kỷ luật, sự kiên trì tỉ mỉ của người Nhật cũng như những khó khăn trong mối quan hệ với các công ty lớn của Nhật.
Theo ông Nguyễn Ích Vinh, Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin Tinh Vân Outsourcing (công ty đã có văn phòng đại diện tại Nhật Bản): Doanh nghiệp Việt phải khắc phục tính thiếu chuyên nghiệp, phát huy kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ và đặc biệt phải có chiến lược dài hạn, đầu tư bài bản về nguồn nhân lực và coi chất lượng sản phẩm là ưu tiên số 1.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác, Dịch vụ và Thương mại Việt Nam (VPMS) đưa ra lời khuyên: Các doanh nghiệp muốn hợp tác được với đối tác Nhật Bản cần phải thiết lập cơ chế HO-REN-SO (báo cáo, liên lạc, bàn thảo) để trao đổi và nắm bắt được toàn bộ thông tin về sản phẩm cũng như nhu cầu của khách hàng. Không bao giờ được xuề xoà, dễ dãi trong quản lý chất lượng sản phẩm.
“Trong 1 đồng ngoại tệ thu về còn kèm theo 5 đồng trí thức" không chỉ là chia sẻ thú vị của Giám đốc FPT Japan Trần Đăng Hòa khi kể về thành quả đầu tư tại Nhật Bản mà còn là động lực cho các doanh nghiệp Việt tự tin xuất ngoại, nâng tầm đẳng cấp.