Dự trữ ngoại hối 54,5 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước ráo riết cân tiền

23:37 | 15/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước dồn dập mua vào ngoại tệ...

Dự trữ ngoại hối 54,5 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước ráo riết cân tiền - ảnh 1
 Hoạt động hút bớt tiền về diễn ra liên tục và ráo riết. Ảnh: Quang Phúc.
Sáng 12/1, tham dự hội nghị triển khai kế hoạch 2018 của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết dự trữ ngoại hối quốc gia vừa tiếp tục tăng một bước mạnh.

Cụ thể, đến thời điểm này quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên tới 54,5 tỷ USD.

Vừa mới tuần trước, tại hội nghị toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước cập nhật con số hơn 53 tỷ USD. Theo đó, chỉ trong khoảng một tuần làm việc đầu năm 2018, lượng ngoại tệ mua ròng lên đến khoảng 1,5 tỷ USD.

"Trong hai năm 2016 và 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được khoảng 22 tỷ USD và đến thời điểm hiện nay, dự trữ ngoại hối đã trên 54,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, củng cố niềm tin quốc gia, tăng cường lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài", Thống đốc nói tại hội nghị trên.

Cùng đó, người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho biết, ứng với lượng mua vào nói trên, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với bộ chức năng, cũng như sử dụng các công cụ để ổn định thị trường và trung hòa nguồn tiền.

Cụ thể, trước dòng chảy ngoại tệ lớn gắn với hoạt động thoái vốn tại doanh nghiệp của Nhà nước, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Tài chính để điều tiết nguồn tiền đưa ra mua ngoại tệ. Công cụ tín phiếu liên tục được sử dụng để hút bớt tiền về.

Hoạt động trên diễn ra liên tục và ráo riết, tập trung mạnh ở hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, để trung hòa tác động nguồn tiền đến cân đối lãi suất, đặc biệt là đối với lạm phát.

Từ tháng 6/2017, thời điểm thị trường bắt đầu ghi nhận Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ, cung tín phiếu bắt đầu phát hành trở lại để thấm hút tiền về. Hoạt động này ròng rã từ đó đến nay, ráo riết hơn khi quy mô phát hành hàng ngày ban đầu chỉ 8.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, từ cuối 2017 đã xuất hiện dày hơn những phiên phát hành quy mô 14.000 tỷ đồng với kỳ hạn "nhốt tiền" giãn ra lên 14 ngày…

Về tổng thể, khác biệt trong hoạt động cân đối tiền này thể hiện rất rõ khi so sánh với cùng kỳ năm trước, cũng như đặt trong bối cảnh thị trường chuẩn bị bước vào mùa cao điểm chi trả cuối năm.

Cụ thể, cùng thời điểm này năm 2017, Ngân hàng Nhà nước giảm hẳn hoạt động hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, khi số dư lượng tín phiếu lưu hành đầu tháng 1/2017 chỉ còn vỏn vẹn 8.000 tỷ đồng, xuống còn 3.000 tỷ đồng ngày 5/1/2017 và từ ngày 6/1/2017 số dư hút về ở kênh này về 0.

Còn nay, đầu 2018, với lượng ngoại tệ mua vào liên tục với khối lượng lớn, nhà điều hành đã phải ráo riết hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, dù thời điểm Tết Nguyên đán đã đến gần - thời điểm nhu cầu tiền và thanh toán tăng cao. Và tính đến ngày 11/1, khối lượng lưu hành tín phiếu đã lên tới 50.000 tỷ đồng.

Ở một diễn biến liên quan khác, lãi suất VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong khoảng hai tuần trở lại đây đã tăng rất mạnh.

Trước đó, cuối 2017 thị trường liên ngân hàng ghi nhận lãi suất VND ở mức thấp, như qua đêm duy trì dưới mốc 1%/năm, phổ biến trong khoảng 0,82-0,85%/năm. Nhưng hai tuần qua đã nhanh chóng tăng mạnh, như lãi suất VND chào qua đêm đã lên tới 2,23%/năm vào cuối tuần này.

Bên cạnh hoạt động hút bớt tiền về ráo riết nói trên của Ngân hàng Nhà nước, thông thường vào cuối năm âm lịch và sát Tết Nguyên đán, nhu cầu VND cho thanh toán và chi trả tăng mạnh lên và phản ánh rõ ở lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Minh Hoa (theo VnEconomy)