Dứa nhập khẩu 150.000 đồng/kg, tại sao dứa nội chỉ 2.000 đồng/kg?
Theo VTV News, nhiều tuần qua, giá dứa ở Thanh Hóa liên tục giảm mạnh khiến người trồng rơi vào cảnh lao đao. Hiện 1 kg dứa quả nhỏ, mã xấu có giá 1.100 đồng/kg, loại vừa 1.800 đồng/kg, quả to khoảng 2.200-2.800 đồng/kg.
Giá dứa thấp nhưng thương lái cũng không nhiệt tình thu mua khiến người dân đành chấp nhận bỏ dứa chín ngoài đồng. Một số người vay vốn để đầu tư trồng dứa đang có nguy cơ vỡ nợ khi sản phẩm không bán được.
Trái ngược với đó, theo thông tin trên báo Người tiêu dùng, ở Hà Nội, loại dứa nhập khẩu từ Đài Loan lại "đắt như tôm tươi" dù có giá bán lên tới 150.000 đồng/kg, tức cao gấp 75 lần giá dứa mà người nông dân Thanh Hóa bán tại ruộng
Trả lời báo VietNamNet, chị Hoài, một đầu mối bán hoa quả cao cấp tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết dứa mật Đài Loan một tuần về 3 chuyến, mỗi chuyến được khoảng 100 quả. Tuy nhiên, tất cả chỉ đủ để trả hàng cho khách đã đặt trước, hầu như không có dứa sẵn bày bán tại cửa hàng.
Theo chị Hoài, sở dĩ dứa Đài Loan thu hút được nhiều bà nội trợ Việt là bởi ăn ngọt thơm và trọng lượng thuộc hàng khủng, trung bình quả từ 1,5-2 kg/quả. Tính ra, mỗi quả dứa Đài Loan có giá từ 220.000-300.000 đồng.
Chị Hương ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây một tháng, chị đặt mua 3 quả dứa Đài Loan với giá lên tới gần 1 triệu đồng. Chị đem biếu 2 quả, còn 1 quả để nhà ăn.
Theo chị Hương, dứa Đài Loan khi bổ ra có nhiều thịt, mắt dứa nhỏ nhưng khi ăn chất lượng cũng tương đương như dứa Việt chứ không ngọt hơn.
Lý giải nguyên nhân giá dứa Đài Loan cao gấp nhiều lần dứa Việt, trả lời báo Tiền Phong, ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quyết Thắng (ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho biết, các giống dứa ngoại có thể hấp dẫn người tiêu dùng trước hết là do lạ. Tiếp đó là hình dáng được bao bọc đẹp, bảo quản cẩn thận, trọng lượng đồng đều và có thể bảo quản được lâu.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng cho rằng, có thể các sản phẩm dứa nhập khẩu hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam ở hình dáng đẹp, bảo quản sang trọng, bắt mắt. Còn về phần chất lượng, chưa chắc “ai hơn ai”, vì các sản phẩm nhập khẩu bày bán trên thị trường ít khi được người bán trưng đầy đủ giấy tờ kiểm dịch hoặc các chứng nhận về đạt chuẩn chất lượng của sản phẩm.
Theo bà Mai, đối với nông sản trong nước, sở dĩ có giá quá rẻ vì người dân thường trồng theo xu hướng, trồng một cách ồ ạt. Trong khi đó, cơ quan quản lý tại Việt Nam chưa xây dựng được kế hoạch đầu ra và đầu vào phù hợp để định hướng người dân theo quy luật thị trường hoặc phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
“Để giúp người dân thoát khỏi tình trạng này, cơ quan quản lý cần giám sát và khảo sát nhu cầu thị trường; đưa ra kế hoạch định hướng cho người trồng sát với thực tế. Song song đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc để phát triển công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt khâu chế biến cần được đẩy mạnh để tạo đầu ra cho nông dân…”, TS. Võ Mai đề xuất.
Chia sẻ về dứa ngoại, anh Nguyễn Ngọc Minh – kỹ sư nông nghiệp cho rằng, Đài Loan là một đất nước trồng nhiều dứa, xuất khẩu không ít giống dứa thương mại ra các nước như Mỹ, Australia, Canada và một số nước châu Á. Một số giống quen thuộc có thể kể đến như dứa Osmanthus, dứa thơm hoặc dứa Cherimoya, Fumu Cayenne. Chúng được dùng nhiều trong công nghiệp sản xuất nước, thực phẩm đóng chai hoặc công nghiệp dược phẩm.
Tuy nhiên, cũng như các giống dứa trong nước, nếu ăn nhiều có thể gây tình trạng nóng trong, táo bón. Vì thế, người mua cần cân nhắc trước khi mua chứ không nên chạy theo tâm lý sính ngoại - anh Minh tư vấn.