Đức tìm đường 'vượt qua' mùa đông thiếu khí đốt
Quốc gia này cho biết đã phải cắt giảm tiêu thụ 20% lượng khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt trầm trọng trong mùa đông này trong bối cảnh các doanh nghiệp và hộ gia đình phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất châu Âu.
Ông Klaus Müller, người đứng đầu cơ quan mạng lưới liên bang (BNA), đơn vị sẽ phụ trách phân bổ nguồn cung cấp khí đốt nếu nền kinh tế lớn nhất châu Âu gặp phải cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông. Ông nói với tờ Financial Times: “Nếu chúng tôi không đạt được mục tiêu tiết kiệm 20% khí đốt thì có nguy cơ nghiêm trọng là chúng tôi sẽ không có đủ khí đốt cho mùa đông”.
Müller cho biết, nước Đức cũng sẽ cần thêm khoảng 10 gigawatt từ các nguồn cung cấp khí đốt khác để bù đắp khối lượng còn thiếu từ Nga. Sản lượng thay thế phần lớn là khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các nước như Mỹ, chiếm khoảng 9% lượng tiêu thụ khí đốt hiện tại của Đức.
Ông cũng nói thêm rằng Đức sẽ phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt từ các nước châu Âu khác. Müller cũng cảnh báo để chấm dứt sự phụ thuộc của Đức vào Nga, giá khí đốt sẽ bị đẩy lên rất cao có thể gây hậu quả rất lớn cho hoạt động kinh doanh.
“Một số ngành sản xuất có thể biến mất khỏi nước Đức vì khí đốt trở nên quá đắt đỏ”, ông cảnh báo, “Viễn cảnh khó khăn ấy có thể xảy ra”.
Đức đã lo sợ về một cuộc khủng hoảng nhiên liệu đang bùng phát kể từ khi tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga lấy lý do kỹ thuật đã cắt nguồn cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 vào giữa tháng 6. Đường ống chính để vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu chỉ đang hoạt động với công suất 20%.
Sự sụt giảm trong nguồn cung đã đẩy giá khí đốt lên cao, với tiêu chuẩn châu Âu, tăng từ khoảng 66 euro mỗi megawatt/giờ vào đầu năm lên 206 euro (tính đến chiều 12/8). Diễn biến này cũng tàn phá nỗ lực của Đức trong việc lấp đầy kho khí đốt dự trữ khi nhu cầu tăng lên.
Châu Âu và Nga đã bị bế tắc về vấn đề nguồn cung năng lượng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, sau đó, phương Tây đáp trả bằng các lệnh trừng phạt. Nga, trước đây đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, đã cắt giảm dòng chảy với lý do các vấn đề về kỹ thuật.
Trước cuộc khủng hoảng, Đức đã nhận phần lớn khí đốt từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 1 (NS1), do Gazprom sở hữu phần lớn. Đường ống này đã cung cấp 55 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm cho Đức và các nước khác, nhưng hiện đã chạy ở mức 20% công suất.
Trong khi đó, Đức cáo buộc Nga muốn "tống tiền" châu Âu bằng khí đốt. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga đang chạy đua tìm các nguồn khí đốt thay thế trước mùa đông đề phòng trường hợp Nga cắt giảm thêm hoặc ngừng cung cấp hoàn toàn.
Cuối tuần qua, Bộ Kinh tế Đức đã ra lệnh cho tất cả các công ty và chính quyền địa phương giảm nhiệt độ phòng tối thiểu trong không gian làm việc của họ xuống 19 độ C trong mùa đông.
Berlin đã đạt đến giai đoạn thứ hai của kế hoạch quốc gia khẩn cấp 3 giai đoạn về khí đốt. Nếu đến giai đoạn cuối cùng, khi nước này phải phân chia lượng khí đốt cho các khách hàng công nghiệp, BNA sẽ phải quyết định xem công ty nào không thể cung cấp khí đốt nữa.
Müller thừa nhận rằng một quyết định có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp gánh chịu hậu quả của nó. “Giống như có dãy Alps trên vai tôi”, ôn nói, “Nhưng tất cả chỉ là dự đoán tình huống xấu nhất có thể”.
Nhà chức trách cho hay BNA đang nỗ lực thăm dò để quyết định công ty nào nên được ưu tiên trong việc phân bổ khí đốt. “Chúng tôi đang xem xét tác động của việc cắt giảm khí áp dụng với một số công ty nhất định đối với chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm quan trọng, công ăn việc làm, sản xuất, chuỗi giá trị. Chẳng hạn những công ty trong lĩnh vực đóng gói và hậu cần có liên quan đến những hàng hóa quan trọng như thuốc và thực phẩm”, ông nói.Tư duy tương tự cũng được áp dụng cho các ngành công nghiệp thủy tinh và gốm sứ.
Đức đang cố gắng lấp đầy các bể chứa để chống chọi với mùa đông có nguy cơ thiếu hụt khí đốt. Theo đó, các bể chứa được yêu cầu phải tăng sản lượng 75% vào 1/9, 85% vào 1/10 và 95% vào 1/11.
Hôm 13/8, Đức đã đạt được mục tiêu lâp đầy 75% bể chứa khí đốt 2 tuần trước so với kế hoạch nhờ vào các biện pháp tiết kiệm cũng như nhu cầu giảm do giá cao. Tuy nhiên, Müller cho biết hai cột mốc tiếp theo "tham vọng hơn nhiều".
Ông cảnh báo rằng ngay cả khi tất cả các bồn chứa đều được lấp đầy, họ sẽ chỉ có đủ khí đốt trong khoảng hai tháng rưỡi nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn và chỉ với điều kiện đó không phải là một mùa đông lạnh giá bất thường.
“Chúng tôi cần đủ khí đốt cho ít nhất 2 mùa đông, không chỉ 1,” ông nói. “Và đó không phải là một lựa chọn tốt để làm trống kho xăng với chi phí cho năm tới”.
Đức muốn loại bỏ khí đốt của Nga vào mùa hè năm 2024. Vì thế, các nhà chức trách đã lùng sục khắp thế giới để đảm bảo các chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến được với Đức. Nước này đã thuê một số tàu chuyên dụng (được gọi là các đơn vị lưu trữ nổi và tái cấp hóa hay FSRU) có thể biến LNG trở lại thành khí và cung cấp thông qua mạng lưới đường ống của Đức. Hai trong số các cơ sở sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2023. Đức cũng đang xây dựng 3 bến LNG lâu dài.
Hôm 16/8, trong nỗ lực tìm nguồn cung thay thế, Đức đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà nhà nhập khẩu khí đốt lớn về việc cung cấp đầy đủ cho hai nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi từ mùa đông năm nay cho đến tháng 3/2024. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết đây là một phần trong nỗ lực "giúp Đức độc lập với khí đốt Nga, đồng thời cung cấp cho Đức một cơ sở hạ tầng năng lượng mạnh mẽ và có khả năng phục hồi."
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc tìm kiếm đủ LNG sẽ là một thách thức. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, công suất xuất khẩu LNG sẽ chậm lại trong 3 năm tới, do hậu quả của việc giảm đầu tư vào giữa những năm 2010 và sự chậm trễ trong xây dựng.
Müller nói rằng mục tiêu năm 2024 về việc chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố chưa đoán định nhưng “khả thi” vì Đức có 6 FSRU đang hoạt động cũng như nguồn khí đốt từ láng giềng, đồng thời nước này đang kêu gọi giảm tiêu thụ công nghiệp.
Nói đến trường hợp khẩn cấp, chính phủ Đức đã tuyên bố rõ ràng rằng các hộ gia đình sẽ được bảo vệ nếu nguồn cung khí đốt bị cắt vào mùa đông. Tuy nhiên, ông Müller cảnh báo rằng các hộ gia đình vẫn không được quyền tiêu thụ một lượng khí đốt lớn.
Ông thừa nhận, các nhà chức trách không có cách nào để ngăn cản việc người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu. “Nhưng tôi nghĩ người dân sẽ tuân theo những gì họ đã làm trong đại dịch: tuân thủ các quy tắc, ngay cả khi không có ai thúc ép”, ông nói.