Đường đua ngân hàng quý I/2023: So găng quy mô tổng tài sản, bộ đệm vốn của các 'đại gia'

Diên Vỹ 15:19 | 08/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến hết quý I/2023, theo thông tin trên BCTC của 28 ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố, tổng tài sản của các ngân hàng (chưa có Agribank) đạt hơn 13,2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm. Về bộ đệm vốn, đến cuối quý I/2023, có 5 ngân hàng TMCP trong hệ thống ghi nhận vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng.

 

Tổng tài sản của top 10 NHTM hàng đầu vượt 10 triệu tỷ

 

Hết 31/3/2023, tổng tài sản của top 10 ngân hàng TMCP có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống (không tính Agribank) đã lên tới 10,176 triệu tỷ đồng; tăng từ mức khoảng 9,97 triệu tỷ đồng hồi đầu năm, tức tăng khoảng 2%.

Theo đó, dẫn đầu BXH tổng tài sản ngân hàng vẫn là cái tên quen thuộc - BIDV với 2,107 triệu tỷ, dù con số này đã giảm nhẹ so với mức 2,12 triệu tỷ hồi đầu năm. Trong năm 2022, BIDV cũng là nhà băng đầu tiên của Việt Nam có tổng tài sản lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với thời điểm 31/12/2021.

Vị trí thứ 2 và thứ 3 trên BXH tổng tài sản tiếp tục là của Vietcombank và Vietinbank. Hết quý I năm nay, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai với tổng tài sản đạt 1,846 triệu tỷ, tăng 1,8% so với mức 1,814 triệu tỷ hồi đầu năm. Trong khi đó, Vietinbank bám đuổi sát nút phía sau với tổng tài sản 1,824 triệu tỷ, tăng khoảng 1% so với đầu năm.

Ở vị trí thứ 4, MB Bank ghi nhận tổng tài sản đạt 760,76 nghìn tỷ, tăng hơn 4% so với mức 728,5 nghìn tỷ hồi đầu năm nhưng vẫn còn cách rất xa các ngân hàng nằm tron top 3. Với vị trí thứ 5, Techcombank ghi nhận tổng tài sản 723,52 nghìn tỷ tính đến 31/3/2023.

5 vị trí còn lại lần lượt thuộc về VPBank, ACB, Sacombank, SHB và HDBank. 

Như vậy, 10 cái tên trong BXH top 10 tổng tài sản ngân hàng TMCP tính đến hết quý I/2023 vẫn giữ nguyên so với đầu năm và chưa có sự biến động thứ hạng nào. 

 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng 

Tính đến cuối quý I/2023, toàn hệ thống có 5 ngân hàng TMCP ghi nhận vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng, không có gì thay đổi so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu lớn nhất toàn hệ thống (144,66 nghìn tỷ tỷ đồng, tăng từ 135, 65 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm). Ở vị trí thứ hai là Techcombank với vốn chủ sở hữu tăng lên 117,97 nghìn tỷ, tăng từ mức 113,43 nghìn tỷ hồi đầu năm. Vị trí thứ ba là VietinBank với vốn chủ sở hữu 112,95 nghìn tỷ so với 108,3 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm.

Ở vị trí thứ tư, BIDV hiện đang bám đuổi sát nút VietinBank trên BXH vốn chủ sở hữu, với vốn chủ đến ngày 31/3/2023 đạt 109,85 nghìn tỷ đồng. VPBank là ngân hàng cuối cùng trong top 5 ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu vượt 100 nghìn tỷ đến nay, với số vốn chủ 105,1 nghìn tỷ.

5 ngân hàng còn lại trong BXH vốn chủ sở hữu lần lượt là MB Bank, ACB, SHB, HDBank và Sacombank.

'Cuộc đua' tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm 2023

 

Về vốn điều lệ, tính đến 31/3/2023, vốn điều lệ các ngân hàng trong hệ thống chưa có nhiều sự thay đổi so với thời điểm đầu năm, bao gồm cả top 10 ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống. Theo đó, sau khi hoàn tất tăng vốn gần 50% lên 67.434 tỷ đồng trong năm ngoái, VPBank hiện vẫn là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống và không đổi cho đến hết quý I/2023. Xếp thứ hai là BIDV với số vốn điều lệ 50.585 tỷ đồng và xếp thứ ba là VietinBank với số vốn điều lệ 48.058 tỷ đồng.

Dù vậy trong năm nay, dự kiến vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh các ngân hàng liên tục lên kế hoạch tăng vốn để đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động cũng như có thêm nguồn lực để phát triển kinh doanh.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ năm 2023 của Vietcombank, Chủ tịch ngân hàng, ông Phạm Quang Dũng cho biết, kế hoạch tăng vốn của Vietcombank năm nay triển khai các nội dung: Tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành 18,1% đã được Chính phủ thông qua; Tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Theo ông Dũng, chủ trương tăng vốn đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua; Phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Về phía BIDV, sau năm 2022 không tăng vốn, trong năm nay, ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua: (1) phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông; nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ; dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng; và (2) phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua, qua đó dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 4.552 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ của VietinBank gần đây cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2023; theo đó vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt 66.030 tỷ đồng nếu kế hoạch tăng vốn được tiến hành thành công.

Về phía Agribank, ngày 25/4 vừa qua, ngân hàng này đã được Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.

Ở khối NHTM cổ phần, các kế hoạch tăng vốn điều lệ cũng đã được hàng loạt ngân hàng dồn dập công bố trong mùa ĐHĐCĐ vừa qua.

Chẳng hạn, VPBank dự kiến tiếp tục tăng vốn thêm khoảng 12.207 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng; qua đó tiếp tục giữ vững vị trí ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TPBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng, lên 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, TPBank dự kiến sẽ phát hành gần 619,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 39,19%. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2023, tùy thuộc vào quá trình xét duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

ĐHĐCĐ của MB Bank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023 thêm 8.343 tỷ đồng, qua đó đưa vốn điều lệ lên 53.683 tỷ đồng. Ngân hàng này dự kiến sẽ tăng vốn thông qua phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm 2022.

Tại Techcombank, năm nay, ngân hàng dự kiến phát hành gần 5,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ hơn 35.172 tỷ đồng lên hơn 35.225 tỷ đồng. 

ĐHĐCĐ HDBank cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 3.973 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP; qua đó nâng vốn điều lệ từ 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng trong năm 2023.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ năm 2023 của VIB cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng; ĐHĐCĐ của SHB thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 30.674 tỷ lên hơn 36.194 tỷ; SeABank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên tối đa 25.660 tỷ đồng; ACB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng; Bac A Bank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 9.900 tỷ đồng...