Đường vào Uniqlo của quần áo Made in Vietnam

Đức Huy 12:17 | 16/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các sản phẩm Made in Vietnam chiếm 50% tổng sản phẩm được bày bán tại Uniqlo.

Xếp hàng vào mua tại Uniqlo ở Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Tờ VTV News đưa tin, vừa qua, chuỗi bán lẻ thời trang nhanh Uniqlo của Nhật Bản đã chính thức khai trương cửa hàng thứ 22 tại Việt Nam.

Tại sự kiện, ông Nishida Hideki - Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho biết mặc dù mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2019 nhưng Uniqlo đã có hơn 20 năm hợp tác sản xuất với các nhà máy đối tác tại đây.

Trước đó vào năm 2021, ông Tadashi Yanai - Chủ tịch Tập đoàn mẹ Fast Retailing, cho biết Việt Nam là cơ sở sản xuất lớn thứ hai thế giới của công ty. Thời điểm đó, Uniqlo đang là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường.

Đến năm 2023, theo số liệu của Bộ Công Thương, Fast Retailing đang hợp tác với 69 nhà máy gia công và 11 nhà máy cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam.

Sau quá trình sản xuất, các sản phẩm Made in Vietnam không chỉ được giới thiệu tại các cửa hàng Việt Nam mà còn được phân phối đến hơn 2.400 cửa hàng của của thương hiệu này trên toàn thế giới.

Trong đó, bao gồm cả các sản phẩm chủ chốt như áo khoác phao lông vũ Ultra Light Down, áo giữ nhiệt Heattech, áo khoác giả lông cừu…

Tính đến năm 2022, các sản phẩm "Made in Vietnam" chiếm hơn 50% tổng sản phẩm được bày bán tại cửa hàng trong nước và hiện Uniqlo đang có kế hoạch để tăng tỷ lệ này.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, Uniqlo cũng phát triển nguồn nhân lực địa phương. Hiện khoảng 70% các cửa hàng trưởng là người Việt Nam. Công ty muốn tăng tỷ lệ này trong trong thời gian tới.

Uniqlo tiến vào Việt Nam từ năm 2019. Ở thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá là nhân tố giúp Uniqlo tăng trưởng tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Fast Retailing đặt tham vọng sẽ có 800 cửa hàng Uniqlo tại đây trong vòng 10 năm.

Theo đuổi chiến lược này, sau 5 năm, tập đoàn đã mở 22 cửa hàng tại Việt Nam, trong đó có 10 cửa hàng tại Hà Nội và 12 tại TP HCM.

Uniqlo đánh giá thị trường Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn tăng trưởng và tiếp tục mở rộng cơ sở khách hàng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh cho năm tài chính kết thúc vào tháng 8, lợi nhuận hoạt động tập đoàn mẹ tăng 28% so với cùng kỳ.

Reuters cho biết điều này được thúc đẩy từ sự phục hồi sau đại dịch và đồng yên giảm, làm tăng giá trị doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Ông lớn bán lẻ Nhật Bản ghi nhận lợi nhuận đạt 381 tỷ yên và doanh thu 2.770 tỷ yên. Đây là hai cột mốc kỷ lục của Fast Retailing.

Nhà sản xuất quần áo lớn nhất châu Á đang bước vào giai đoạn mở rộng mới, tìm cách đạt được mục tiêu chạm mốc doanh thu 10.000 tỷ yên, qua đó trở thành “một công ty toàn cầu thực sự”.

Công ty kỳ vọng sẽ đạt được một nửa con số đó trong khoảng 5 năm tới. Năm nay cũng là lần đầu tiên doanh thu từ thị trường quốc tế của của Uniqlo đóng góp một nửa vào tổng doanh thu của tập đoàn Fast Retailing.

Fast Retailing được thành lập bởi người giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai, người hiện nắm giữ khoảng 19% cổ phần. Theo Forbes, ông cùng gia đình sở hữu khối tài sản ròng lên tới 36,8 tỷ USD, tính tới ngày 15/11/2023 và giàu thứ 35 thế giới.