CEO Uniqlo cam kết ở lại Nga
Fast Retailing, nhà bán lẻ lớn nhất Châu Á và là công ty mẹ của thương hiệu Uniqlo, sẽ tiếp tục hoạt động tại Nga trong bối cảnh áp lực quốc tế trong việc "cô lập" Nga đang khiến nhiều công ty đa quốc gia lần lượt công bố dừng hoạt động tại thị trường này, theo Bloomberg.
"Quần áo là đồ thiết yếu của cuộc sống. Người Nga có quyền được sống như chúng ta", ông Tadashi Yanai, CEO Fast Retailing, chia sẻ. Mặc dù ông phản đối chiến tranh và kêu gọi tất cả các quốc gia phản đối lại cuộc chiến này, toàn bộ 50 cửa hàng Uniqlo tại Nga sẽ tiếp tục hoạt động.
Động thái của Fast Retailing được công bố giữa lúc nhiều thương hiệu lớn của thế giới đã dừng hoặc rút khỏi Nga. Làn sống này là dấu chấm hết tạm thời cho ba thập kỷ đầu tư tích cực của Phương Tây và các nước khác vào Nga, Bloomberg nhận định.
Ông Yanai cho biết ông đã đặt câu hỏi cho xu hướng áp lực khiến các công ty phải đưa ra các quyết định mang tính chính trị. Hồi tháng 4 năm ngoái, ông Yanai đã từ chối bình luận xung quanh vấn đề mua bông sợi từ Tân Cương (Trung Quốc), một tháng trước trước khi nguồn tin tiết lộ rằng Mỹ trước đó đã chặn một lô hàng áo phông Uniqlo vì quan ngại liên quan đến cưỡng bức lao động. Fast Retailing cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra của Pháp cùng nhiều thương hiệu thời trang khác.
Nike và một số công ty khác đã cam kết không dùng bông sợi từ Tân Cương song Fast Retailing chưa từng đưa ra một cam kết tương tự. Dù vậy, công ty Nhật Bản khẳng định không có tình trạng cưỡng bức lao động trong chuỗi cung ứng của hãng.
Cuộc tháo chạy khỏi Nga
Chiến dịch quân sự mà Nga thực hiện tại Ukraine đã châm ngòi cho một loạt các lệnh hạn chế thương mại và lệnh trừng phạt tài chính khiến nhiều công ty quyết định rời khỏi thị trường này.
Inditex SA, đối thủ lớn nhất của Fast Retailing, đang tạm thời đóng cửa 502 cửa hàng tại Nga đồng thời đình chỉ hoạt động bán hàng trực tuyến. Apple và Nike cũng đã đóng cửa các cửa hàng tại đây, trong khi đó các hãng xe như BMW AG và General Motors Co quyết định tạm dừng giao xe.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang áp dụng nhiều lệnh trừng phạt tới Nga, bao gồm đóng băng tài sản của nhiều quan chức và tài phiệt Nga cũng như tài sản của các định chế tài chính, bao gồm ngân hàng trung ương Nga.
Hiện tại, quan điểm của các công ty Nhật Bản với tình hình tại Nga đang có nhiều sự khác biệt. Hãng xe lớn nhất Nhật Bản là Toyota Motor Corp. và Honda Motor Co. cho biết đã dừng giao xe đến Nga, trong khi đó một cuộc vận động hành lang kinh doanh khuyến nghị Mitsubishi Corp và Mitsui & Co. chưa nên vội vàng rút khỏi các dự án dầu và khí liên quan đến Nga.
Japan Tobacco Inc., công ty có 37% thị phần tại Nga, vẫn tiếp tục hoạt động tại đây và nói rằng nó "hoàn toàn tuân thủ" các lệnh trừng phạt của quốc gia và quốc tế.