Elon Musk treo thưởng 100 triệu USD cho người tạo ra công nghệ thu giữ khí thải carbon tốt nhất
Cuộc thi thu giữ carbon do Elon Musk phát động sẽ hướng tới việc chống lại biến đổi khí hậu trong tương lai, đặc biệt là dưới thời chính quyền Biden.
CEO của Tesla và SpaceX, Elon Musk đã đăng lên Twitter cá nhân một cuộc thi nhằm khuyến khích các công nghệ thu giữ carbon một cách sáng tạo hơn: "Tôi đang quyên góp 100 triệu đô la giải thưởng cho công nghệ thu giữ khí carbon tốt nhất", và nói thêm rằng sẽ cung cấp "thông tin chi tiết vào tuần tới".
Tỷ phú Elon Musk phát động cuộc thi thu giữ khí thải carbon với giải thưởng lên tới 100 triệu USD. Ảnh: AFP
Elon Musk hiện đã là người vượt qua Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới trước khi giá cổ phiếu của Tesla giảm khiến ông trở lại vị trí thứ 2. Gần đây vị tỷ phú đã hỏi những người theo dõi trên Twitter cho mình lời khuyên về cách từ thiện các khoản tiền một cách tốt nhất.
Vào năm 2012, Musk đã ký "Cam kết cho đi", một sáng kiến do Bill Gates và Warren Buffett đưa ra, yêu cầu những người ký kết phải quyên góp ít nhất một nửa tài sản trong vòng đời của họ và chủ yếu quyên góp cho giáo dục khoa học và kỹ thuật, nghiên cứu năng lượng tái tạo, nghiên cứu nhi khoa và nghiên cứu khám phá không gian của con người.
Nhưng một ước tính của Forbes vào tháng 9 cho thấy Musk chỉ quyên góp 100 triệu USD cho đến nay - chưa bằng 1% giá trị tài sản ròng của ông.
Tuy nhiên, cuộc thi thu giữ carbon được đề xuất của Musk sẽ hướng tới một nguyên nhân có khả năng đóng vai trò chính trong việc chống lại biến đổi khí hậu trong tương lai, đặc biệt là dưới thời chính quyền Biden.
Khói bốc lên tại một nhà máy hóa dầu. Ảnh: AFP
Tân Tổng thống Mỹ mới nhậm chức ông Joe Biden đã cam kết đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ thu giữ khí CO2, như một phần trong kế hoạch giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu của ông. Hôm 21/1, ông đã bổ nhiệm bà Jennifer Wilcox, một chuyên gia về công nghệ loại bỏ carbon, làm quan chức cấp cao phụ trách lĩnh năng lượng hóa thạch tại Bộ Năng lượng Mỹ.
Hải Yến (Theo CNBC)