EU bãi bỏ quy định bội chi, ra biện pháp tài chính kích thích kinh tế
Phát biểu trước cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Centeno nhấn mạnh các nước châu Âu đều nhận thức được rằng dịch COVID-19 chưa lên tới đỉnh điểm.
Do đó, những biện pháp hiện nay mà các nước châu Âu đưa ra nhằm ứng phó với dịch chỉ là tạm thời trong một cuộc chiến lâu dài.
Theo ông Centeno, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cưỡng ép hiện nay đang đẩy nền kinh tế của các nước châu Âu rơi vào thời kỳ giống chiến tranh.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng thách thức kinh tế hiện tại mà EU đang phải đối mặt cũng tương tự như cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực tới châu Âu hồi năm 2008.
Trước tình trạng dịch COVID-19 đã làm đình trệ tất cả hoạt động kinh tế, cũng tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Tài chính các nước EU đã ký phê chuẩn một loạt đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm phối hợp nỗ lực trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay, trong đó có đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến việc các nước thành viên bội chi.
Những đề xuất này sẽ đi kèm với biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno khẳng định EU sẽ đảm bảo các quy định tài chính của liên minh hay các quy định cứu trợ các nước thành viên sẽ có sự linh hoạt khi thực thi.
Tuy nhiên, các bộ trưởng EU nhất trí tạm thời chưa huy động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trị giá 410 tỷ euro.
Ông Centeno giải thích rằng ESM được thành lập giữa lúc xảy ra một cuộc khủng hoảng "rất khác" với dịch COVID-19, cụ thể là cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone năm 2012.
Tuy nhiên, ông lên tiếng trấn an rằng EU sẽ làm mọi điều cần thiết để khôi phục niềm tin và phục hồi nền kinh tế khu vực, cũng như bảo vệ đồng euro.
Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính EU cho biết chính phủ các nước Eurozone hiện đã bơm vào nền kinh tế số tiền tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của châu Âu, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn.
Nếu được triển khai, quỹ cứu trợ ESM có thể bơm khoảng 3,4% tổng GDP của Eurozone vào nền kinh tế khu vực.