EuroCham, VCCI và doanh nghiệp hỏi đáp ‘nóng’ về EVFTA
Tham gia Hội thảo, các doanh nghiệp quan tâm tới lộ trình xuất khẩu cà phê sang EU cũng như những thông tin cần thiết để chuẩn bị cho quá trình xuất khẩu mặt hàng dệt may; về hoạt động tư vấn quản trị giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Doanh nghiệp cũng đưa ra đề nghị Chính phủ Việt Nam nới rộng quy định cấp phép, tạo thuận lợi cho việc phát triển, áp dụng công nghệ khi mở rộng hợp tác; đề nghị VCCI đứng ra làm cơ quan chủ quản kêu gọi sự đồng hành của các bộ, ngành chung tay cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp EU có thể tiếp cận tốt hơn trên lĩnh vực dược, thiết bị y tế, truyền thông…
Đối với việc doanh nghiệp đề nghị VCCI đứng ra làm cơ quan chủ quản kêu gọi sự đồng hành của các bộ, ngành chung tay cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp EU có thể tiếp cận tốt hơn trên lĩnh vực dược, thiết bị y tế, truyền thông…, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, VCCI đang nỗ lực thực hiện điều này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xác định đã tham gia EVFTA có nghĩa doanh nghiệp phải tăng cường kết nối, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước kết nối với doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực dược và thiết bị y tế, trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp EU là làm thế nào để mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đại diện EuroCham cho rằng, riêng lĩnh vực dược phẩm, khối lượng thương mại giữa Việt Nam và EU đang gia tăng nhanh chóng. Đây là lĩnh vực hàng đầu xuất khẩu từ châu Âu sang Việt Nam. EVFTA có các chương quy định, doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu hơn qua việc đọc tài liệu hiệp định này.
Về việc doanh nghiệp EU muốn cung cấp sản phẩm thiết bị y tế cho các bệnh viện Việt Nam, đại diện EuroCham khẳng định: Trước hết doanh nghiệp EU cần làm rõ vấn đề bằng sáng chế. Trong tuần tới, đại diện EuroCham sẽ làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để giải quyết những tồn đọng còn lại liên quan đến EVFTA, từ đó, xây dựng một lộ trình phù hợp cho quá trình hợp tác.
Đại diện EuroCham cho rằng, lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam tương đối chuyên biệt, sẽ không có phép thử về kinh tế. Về áp dụng công nghệ Blockchain góp phần đảm bảo minh bạch, an toàn và trung thực khi thực thi hai hiệp định theo ý kiến của một đại biểu tham dự Hội thảo, đại diện EuroCham cho rằng, EVFTA không đề cập đến Blockchain vì đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Theo ông Lộc, đào tạo phổ cập nâng cấp về quản trị cho DNNVV đang là vấn đề quan trọng nhất. Có thể đào tạo những khóa học trực tuyến là tốt nhất với việc thông báo rộng rãi cho doanh nghiệp biết ngày giờ phát chương trình đào tạo để doanh nghiệp tiện theo dõi. Nội dung chương trình đào tạo có thể theo sự dẫn dắt của EuroCham. Phía EuroCham cũng thừa nhận, không chỉ doanh nghiệp Việt mà cả doanh nghiệp EU cũng đang quan tâm sâu tới việc làm thế nào để tận dụng được lợi thế từ EVFTA.
Trước câu hỏi doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị gì để tham gia tích cực hơn hai hiệp định, đại diện EuroCham cho rằng, Việt Nam và EU đang áp dụng GSP, doanh nghiệp cần biết thời gian áp dụng cho chế độ ưu đãi thuế quan này như thế nào, trong thời gian bao lâu. Điều này doanh nghiệp phải đọc kỹ trong nội dung EVFTA, từ đó có kế hoạch tốt cho mình.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lộc nhấn mạnh thêm: Cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang EU lầ rất lớn vì thuế suất giảm ngay xuống bằng 0 sau khi EVFTA có hiệu lực. Có nghĩa, trong thời gian đầu, những ưu đãi từ GSP và từ EVFTA là giống nhau. Tuy nhiên, khi số lượng xuất khẩu bùng nổ, thách thức về xuất xứ và đảm bảo môi trường đối với các doanh nghiệp dệt may là rất lớn. Phía Việt Nam sẽ trao đổi sâu hơn với phía EU để vừa phát triển công nghiệp phụ trợ, vừa bảo vệ môi trường.
Ông Lộc kỳ vọng các doanh nghiệp thời gian tới không chỉ tham gia hỏi đáp mà sẽ tham gia hiến kế cho VCCI, EuroCham cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam để quá trình thực thi EVFTA có ý nghĩa thiết thực hơn cho doanh nghiệp.