EVFTA: Chưa thể lạc quan ngân hàng châu Âu mở rộng đầu tư tại Việt Nam

22:37 | 03/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhận định này được chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đưa ra ngay khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết.

EVFTA: Chưa thể lạc quan ngân hàng châu Âu mở rộng đầu tư tại Việt Nam - ảnh 1
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: DNVN/Đức Tân.
Xin ông đưa ra một số nhận định mang tính so sánh về thời cơ cũng như thách thức mà EVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Hiệp định EVFTA và CPTPP là hai hiệp định hoàn toàn khác nhau, áp dụng cho hai thị trường khác nhau. Thị trường CPTPP gần gũi hơn thị trường châu Âu vì thị trường châu Âu là thị trường rất khó tính, trong khi sản phẩm hàng hóa, chất lượng của Việt Nam thấp hơn nhiều so với chuẩn mực của châu Âu. Ở châu Á, Nhật Bản cũng là một thị trường khó tính nhưng chỉ khó tính ở một vài lĩnh vực, còn châu Âu khó tính trên tất cả các phương diện, đặc biệt là tại Đức, Anh, Thụy Điển.

EVFTA có thế mạnh vì nó là thị trường có nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt khai thác. Trong khi thị trường CPTPP là thị trường truyền thống. Tuy nhiên, EVFTA mới chỉ là phê chuẩn giai đoạn đầu, cần phải thông qua sự phê chuẩn tiếp theo của nghị viện, quốc hội các nước thành viên. Sự phê chuẩn CPTPP có những bước thuận lợi hơn. Kỳ vọng vào EVFTA nhưng chúng ta cần tập trung cao độ vào CPTPP.

Riêng đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng, sau khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt khó hội nhập vào thị trường châu Âu hơn là họ vào mình. Điều này liên quan đến các rào cản kỹ thuật, trong đó, quản trị rủi ro của Việt Nam rất thấp. EU khó chấp nhận cho ngân hàng Việt Nam vào thị trường của họ nếu ngân hàng Việt chưa có quy định chặt chẽ về quản trị rủi ro. Trong khi, cánh cửa lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam đang mở rộng cho châu Âu vào.

Tuy nhiên, có thể thấy, thời gian qua, các ngân hàng châu Âu như Pháp, Anh có mặt tại Việt Nam nhưng lại đang rút dần, giảm đầu tư vào Việt Nam. Vì họ thấy thị trường của Việt Nam không thích hợp, lợi nhuận của Việt Nam không thích hợp, rủi ro cho vay cao. Điều này có thể khẳng định chưa thể lạc quan về việc các ngân hàng châu Âu mở rộng và phát triển đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để doanh nghiệp Việt trên lĩnh vực tài chính-ngân hàng có thể mở rộng đầu tư tại thị trường châu Âu. Đồng thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có cơ hội tiếp cận nguồn vốn của châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng của Việt Nam phải được tái tổ chức mạnh mẽ hơn, đặc biệt thông qua Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước quy định về quản lý, quản trị rủi ro sẽ có hiệu lực trong năm tới. Làm sao để ngành tài chính ngân hàng hấp dẫn hơn.

Thúc đẩy hoạt động đầu tư của ngân hàng Việt Nam sang châu Âu rất cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương trước hết cần tạo diễn đàn trao đổi, không chỉ ở Việt Nam mà các cơ quan lãnh sự của châu Âu cần tổ chức hội thảo để các doanh nghiệp Việt có cơ hội thể hiện mình về các sản phẩm với các nhà đầu tư của châu Âu.

Về cơ hội cho các DNVVN tiếp cận nguồn vốn của châu Âu, hiện có rất nhiều đối tác châu Âu mời chào nguồn vốn của họ và các doanh nghiệp châu Âu đang thấy các doanh nghiệp này có nhiều tiềm năng, đặc biệt trên lĩnh vực công nghệ thông tin.

Tuy nhiên để tiếp cận được nguồn vốn, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải khắc phục sự yếu kém về vấn đề ngoại ngữ và tuân thủ pháp luật (kể cả pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam). Doanh nghiệp Việt cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ cũng nên nhấn mạnh về những bước tiến về sự tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp để tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Các bộ, ngành, hiệp hội phải có những người thực hiện công tác huấn luyện nắm rõ được quy định trong EVFTA chứ không phải là dịch kỹ thuật đơn thuần.