EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu tăng tốc trong những tháng cuối năm 2020

20:44 | 08/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam đang tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết cũng như EVFTA để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt gần 27,1 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết cũng như EVFTA để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Cụ thể, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15 nghìn bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...

 EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu tăng tốc trong những tháng cuối năm 2020 - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.

EVFTA được nhận định sẽ tiếp tục là động lực cho xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm. Đặc biệt là với những mặt hàng đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong những tháng đầu năm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dịch bệnh dần được kiểm soát đã và đang mở ra cơ hội cho ngành thủy sản phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch cả năm khoảng 8,6 tỷ USD. Trong đó EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU, bù đắp những khó khăn mà doanh nghiệp đã gặp phải trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, EU là thị trường có yêu cầu cao về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói... Do vậy, để có thể thâm nhập tốt thị trường EU, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, tiếp tục rà soát, tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến để đáp ứng tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các quy định về dán nhãn, môi trường, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Đơn cử, với mặt hàng gạo, kinh nghiệm từ Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho thấy, cơ hội chỉ có được nếu doanh nghiệp sớm chuyển mình và có sự đầu tư nhất định.

Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed cho biết, dù EU dành một hạn ngạch đáng kể (lên đến 80.000 tấn) gạo cho doanh nghiệp Việt Nam, song với yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới, doanh nghiệp buộc phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

Ngay từ khi EVFTA đang đàm phán, Vinaseed đã xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời đầu tư nhà máy chế biến gạo hiện đại, quy mô, đảm bảo sản phẩm sau chế biến đáp ứng các yêu cầu của thị trường; Đầu tư đóng gói đúng quy cách.

Nhờ vậy mà ngay trong tháng 7/2020, Vinaseed đã xuất khẩu thành công gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá lên đến 1.040 USD/tấn, mức giá trong mơ cho gạo xuất khẩu Việt Nam.

Năm 2019, tổng sản lượng xuất khẩu của Vinaseed tại thị trường EU đạt khoảng 2.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 triệu USD. Khi mức thuế suất giảm về 0%, Tập đoàn sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ tại thị trường khó tính này.

Theo dự kiến, năm 2020, Vinaseed đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 5.000 tấn gạo sang EU.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, Hiệp định EVFTA là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, EU là thị trường có yêu cầu cao về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói...

Để có thể thâm nhập, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, tiếp tục rà soát, tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến để đáp ứng tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các quy định về dán nhãn, môi trường, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, để chuẩn bị nắm bắt cơ hội từ EVFTA, Vina T&T Group đã xây dựng vùng trồng 300ha gồm: thanh long, nhãn, xoài, bưởi, chôm chôm đạt chứng nhận GlobalGAP. Việc này giúp sản phẩm không chỉ chinh phục tốt thị trường EU mà còn nhiều thị trường khó tính khác.

Ngoài trái cây, doanh nghiệp còn có kế hoạch xuất khẩu các loại rau thơm, ớt, cà pháo, chanh... sang EU do nhu cầu thị trường khá lớn. Vina T&T Group đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu sang EU đạt hơn 7,7 triệu USD, tăng 20% so với năm 2019.

An Vy (T/h)

Xem thêm: Bản tin kinh tế ngày 8/10/2020: Thu ngân sách 9 tháng đầu năm giảm mạnh