EVFTA, IPA: Thông điệp mạnh mẽ đóng góp toàn cầu hóa

16:33 | 01/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây chính là thông điệp được đưa ra tại buổi “Đối thoại về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU: Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt”, sáng 1/7.
EVFTA, IPA: Thông điệp mạnh mẽ đóng góp toàn cầu hóa - ảnh 1
Toàn cảnh buổi Đối thoại. Ảnh: Minh Hoa/DNVN. 
Hiệp định tốt nhất và quan trọng nhất giữa EU-Việt Nam

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý nghĩa của EVFTA, IPA và một lần nữa khẳng định đây là hai hiệp định tốt nhất và quan trọng mà EU đã ký kết với Việt Nam.

“Hai hiệp định không chỉ giúp Việt Nam hoàn thiện nền tảng đối tác chiến lược với EU mà còn giúp Việt Nam tạo động lực mới cải cách thiết chế pháp lý cũng như chiến lược phát triển bền vững. Việt Nam có trình độ thấp nhất trong các đối tác ký FTA của EU cho thấy quyết tâm chính trị và chuẩn bị kỹ càng của cả hai phía trong đàm phán, ký kết 9 năm qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Theo ông Trần Tuấn Anh, mục tiêu của Việt Nam là hướng tới thị trường tự do công bằng, minh bạch, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Nội hàm cam kết của hai hiệp định đòi hỏi nhiều biện pháp phối hợp để đảm bảo sự bất cân xứng trong quá trình thực hiện. Với yêu cầu rất cao của các chương trong hiệp định này sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất tạo đà tăng trưởng và phát triển, giúp các doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực, trong bối cảnh 4.0 nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức.

“Trong buổi lễ ký kết hai hiệp định, chúng ta đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về đóng góp cho toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, củng cố hệ thống thương mại đa phương, góp phần mang lại sự phồn vinh, phát triển và công bằng cho hệ thống thương mại quốc tế. EVFTA, IPA là khuôn khổ hiệp định tự do thế hệ mới đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang đặt trọng tâm sẽ phối hợp với các bên, đặc biệt là đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân sớm tổ chức và đưa vào thực thi sau khi hai hiệp định được phê chuẩn vào cuối năm nay. Chương trình hành động sẽ phải được triển khai cụ thể, đầy đủ và kịp thời, trong đó có việc tăng cường năng lực thể chế, cơ hội, tạo tương tác thuận lợi hơn cho các đối tác công, tư, tạo thêm động lực phát triển phồn vinh mỗi quốc gia. Buổi Đối thoại là hoạt động đầu tiên của sự tương tác đó”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

EU muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa ở Việt Nam

Chia sẻ tại buổi Đối thoại, bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ thương mại của EU cho rằng cộng đồng người Việt nói chung và cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại EU nói riêng đã để lại nhiều dấu ấn, nhất là trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội để gắn kết gần gũi hơn nữa thông qua EVFTA, IPA. Hai hiệp định sẽ tiến tới gỡ bỏ thuế quan 99%, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến vào thị trường mới, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Quy tắc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp làm được khi hiệp định thực thi, nhiều nội dung được tự do hóa trên lĩnh vực thực phẩm, dệt may… và nhiều sản phẩm của EU sẽ có giá cạnh tranh hơn tại Việt Nam”, bà Cecilia Malmstrom nói.

EVFTA, IPA: Thông điệp mạnh mẽ đóng góp toàn cầu hóa - ảnh 2
Các đại biểu chia sẻ tại buổi Đối thoại. Ảnh: Minh Hoa/DNVN.  
Bà Cecilia Malmstrom tin tưởng EVFTA, IPA sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc với những cam kết bảo vệ người lao động, chống biến đổi khí hậu, chống lại sự hủy hoại môi trường xã hội. Thông qua hiệp định, các chuỗi cung ứng ngày càng mang lại cơ hội mới với những thích ứng mới.

“Chúng tôi muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa ở Việt Nam. EU đang tìm kiếm những người bạn tại châu Á, EVFTA và IPA là viên gạch nền móng trong hội nhập với khu vực. Đồng thời, hai hiệp định mới sẽ thay thế 21 hiệp định song phương mà Việt Nam đã  ký kết với các nước thành viên EU, qua đó, bảo vệ và tạo quyền hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây là hai hiệp định hiện đại đầy tham vọng, phù hợp với thế kỷ 21 và mang lại lợi ích hai phía”, bà Cecilia Malmstrom chia sẻ.

Thành công sẽ thuyết phục cả thế giới

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đang có “niềm vui song hỉ” khi tham gia ký kết CPTPP và EVFTA, IPA. Các hiệp định thương mại tự do với EU sẽ là nền tảng quan trọng cho cả hai phía, trong bối cảnh nhiều sóng gió thương mại toàn cầu.

“Đây là một cuộc đối thoại Đông Tây điển hình giữa các nước phát triển và đang phát triển, Việt Nam là điển hình của các nước đang phát triển. Điều này nhân lên tính bổ sung và tương hỗ, mang lại lợi ích cho 600 triệu người dân EU và ASEAN, đặc biệt là sự bổ sung thêm hợp tác giữa hai nền nông nghiệp nhiệt đới. EVFTA và IPA là tham khảo quan trọng triển khai trong tương lai hợp tác EU-ASEAN”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng, Việt Nam và EU có môt tầm nhìn chung về phát triển bền vững, mẫu số để hợp tác phát triển, hướng tới thế hệ FTA cao hơn, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn hơn. Hai hiệp định sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho DNVVN, đặt loại hình doanh nghiệp nà làm chủ thể trong yêu cầu sáng tạo và bao trùm, trong tự do phát triển.

“Chúng tôi mong các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ của EU hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, không chỉ là hợp tác trong lĩnh vực gia công, lắp ráp. Rất mong có mô hình hợp tác tốt nhất cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Thành công trong hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ thuyết phục được cả thế giới, chúng tôi mong muốn như vậy”, ông Lộc tin tưởng.

Ông Lộc nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Việt Nam với tiêu chuẩn cao nhất sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ hai ở Việt Nam trong chiến lược phát triển bền vững thời gian tới.