FLC chính thức đề xuất làm BOT sân bay quốc tế Đồng Hới – Quảng Bình

14:15 | 10/04/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN)  - Tập đoàn FLC đề xuất được tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay quốc tế Đồng Hới theo hình thức BOT.

FLC vừa gửi công văn tới Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình, với mong muốn được tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay quốc tế Đồng Hới theo hình thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT).

Được biết Chính phủ đang giao Bộ GTVT chủ trì tổ chức phê duyệt điều chỉnh nâng cấp sân bay và nhà ga quốc tế Đồng Hới - Quảng Bình để đáp ứng khai thác các loại máy bay hiện đại và phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của du khách, Tập đoàn FLC vừa có đề xuất chính thức tới các Ban, ngành liên quan về việc tham gia đầu tư quá trình xây dựng, nâng cấp sân bay này theo hình thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT).

"Nếu được chấp thuận, Tập đoàn FLC cam kết triển khai các thủ tục đầu tư, khai thác, vận hành theo đúng các quy định của Chính phủ và nhà chức trách hàng không Việt Nam", văn bản kiến nghị của Tập đoàn FLC nêu rõ.

Kiến nghị này được cho là bắt nguồn từ chiến lược hoạt động của thương hiệu hàng không Bamboo Airways (thuộc sở hữu FLC), vốn đang trong giai đoạn "nước rút" cho mục tiêu cất cánh vào cuối năm 2018, sau khi ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus. Đây là hãng hàng không có hướng đi riêng, khác biệt, khi kết nối trực tiếp thị trường quốc tế và trong nước tới các điểm đến đang lên của Việt Nam như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình... - những điểm đến vốn chưa phát triển về hạ tầng khiến việc đi lại lâu nay vẫn đứng trước tình trạng đắt đỏ, khó khăn và thậm chí bất lợi về giờ giấc.

Việc tham gia đầu tư trực tiếp của FLC vào hạ tầng hàng không tại Quảng Bình, nếu được chấp thuận, sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc nâng cấp một sân bay quan trọng của miền Trung, tăng cường thu hút du khách đến với Quảng Bình – một trong những vùng đất sở hữu tiềm năng du lịch lớn nhất Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác tối ưu./.