Fobers: Nông sản Việt Nam trở thành hàng tiêu dùng cao cấp mới tại Mỹ
Tác giả Douglas Yu tại tạp chí Forbes đã phân tích những bước đi thành công giúp nông sản của Việt Nam, từ gạo, cà phê, hạt điều đến quả óc chó trở thành các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao đối với người dân Mỹ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp nội địa ở Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao nhất vào năm 2022 (3.36%) trong vòng ba năm qua, một phần nhờ vào nguồn vốn và ưu đãi của chính phủ.
Theo Cục Điều tra dân số, Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu với quốc gia Đông Nam Á này và gần đây đã vượt qua Trung Quốc, Campuchia để trở thành đối tác kinh doanh lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu 10,8 tỷ USD.
Câu chuyện thay đổi của cà phê Việt
Để hiểu rõ làm thế nào các sản phẩm của Việt Nam lại trở thành mặt hàng cao cấp mới đối với người tiêu dùng Mỹ, không cần lấy ví dụ đâu xa ngoài sự nổi lên gần đây của cà phê Việt Nam, cụ thể là thành công của Nguyen Coffee Supply. Nguyen Coffee Supply được thành lập bởi Sahra Nguyễn, người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên.
Năm 2018, công ty này đã ra mắt với mục tiêu sứ mệnh mở rộng trải nghiệm cà phê của người Việt bằng cách tìm nguồn cung chủ yếu là hạt cà phê Robusta từ trong nước. Đây là loại hạt có hàm lượng caffeine và chất chống oxy hóa cao, tuy nhiên trước đây rất khó được ngành cà phê công nhận.
“Nguyen Coffee Supply đã thực sự đi tiên phong trong danh mục cà phê Việt Nam… thông qua việc thách thức câu chuyện thống trị và tự hào về lập trường của chúng tôi trong việc giành lại và nâng tầm cà phê Robusta”, Sarah Nguyễn viết cho tác giả Douglas Yu.
Trước khi Nguyen Coffee Supply ra mắt, cô Sarah lưu ý nhận thức chung về cà phê Việt Nam là “một loại đồ uống ngọt và đậm đà với quá nhiều sữa đặc có đường. Tuy nhiên, theo thời gian, nhận thức đó bắt đầu thay đổi với việc nâng cao giáo dục người tiêu dùng về các đặc tính độc đáo của cà phê Robusta, chẳng hạn như lượng đường ít hơn 60% và khả năng phục hồi môi trường mạnh mẽ của chúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tính bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự quan tâm đến việc trồng thêm cà phê Robusta và Việt Nam chiếm hơn một nửa nguồn cung Robusta toàn cầu. “Arabica không còn đủ để thỏa mãn nhu cầu, còn Robusta của Việt Nam thì ai cũng biết, là số một thế giới”, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, ông Nguyễn Nam Hải, phát biểu.
Cà phê Robusta thực sự đóng vai trò là một phần tinh túy của văn hóa và đời sống xã hội Việt Nam đến mức các “gã khổng lồ” cà phê quốc tế đang tranh giành ở thị trường này. Dữ liệu của Euromonitor cho thấy Việt Nam có 0,9 cửa hàng Starbucks trên mỗi một triệu dân - thấp nhất trong số sáu nền kinh tế chính ở Đông Nam Á, mặc dù có thị trường cà phê lớn nhất tính theo giá trị. Trong khi đó, các chuỗi địa phương – Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên Legend – tiếp tục thống trị cả nước.
Sự quan tâm của người tiêu dùng Mỹ đối với cà phê Việt Nam cũng ngày càng tăng lên, bằng chứng là mức tăng trưởng 1.100% so với cùng kỳ năm trước của Nguyễn Coffee Supply trong phân phối bán lẻ trên Whole Foods Market và các cửa hàng độc lập khác trong khu vực. Những doanh nghiệp mới như Sang và Cà phê Nam cũng đang đón nhận các tín hiệu tích cực. Tháng 9 vừa qua, Trung Nguyên Legend đã khai trương địa điểm đầu tiên ở Mỹ tại trung tâm Little Sài Gòn ở Westminster, California. Tuy nhiên, Sarah Nguyễn tin rằng đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong bối cảnh cà phê Việt Nam đang nở rộ.
Cô gái trẻ này nói: “Danh mục này chỉ mới nổi ở thị trường Mỹ. Đối với chúng tôi, tất cả nhằm phát triển chiếc bánh chứ không phải chạy theo miếng bánh của nhau và nếu các món như matcha và trân châu là dấu hiệu cho thấy chiếc bánh này có thể trở nên lớn đến mức nào, thì chúng tôi có rất đủ chỗ cho tất cả mọi người”.
Chuyển sang cây trồng có giá trị cao
Ngoài ra, thị trường lao động hiệu quả về chi phí cùng với mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ cũng đang thu hút các nhà khai thác hàng hóa đóng gói tiêu dùng của Mỹ ngày càng tin tưởng vào Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đang thúc đẩy Mỹ chuyển hướng sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Ông Dominic Purpura, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty sản xuất nước dưa hấu cao cấp Mela, cho biết: “Khi chúng tôi đến Việt Nam và nói chuyện với người dân địa phương, họ có vẻ thực sự thích ý tưởng hợp tác với người Mỹ. Theo ông, Việt Nam đang thực sự chú trọng và tập trung phát triển bản thân từ góc độ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và kinh doanh.
Dưa hấu là loại cây trồng sinh lợi trên khắp Việt Nam với thời gian cho trái trung bình từ khi trồng đến khi thu hoạch là 50 - 60 ngày. Đó là khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian sinh trưởng cần thiết của các sản phẩm xuất khẩu quan trọng khác, chẳng hạn như cây cao su, thường là 10 - 15 năm.
Do đó, người nông dân sống dọc theo đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển đổi các cánh đồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị cao như xoài, mít, dừa và dưa hấu. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp ước tính những sản phẩm này mang lại cho nông dân địa phương tới 200 triệu đồng, tổng lợi nhuận khoảng 8.200 USD/ha/năm.
Ông Anthony Cadieux II, người đồng sáng lập công ty nước dừa cao cấp CoAqua cho biết: “Các tuyến đường thủy của vùng đồng bằng cung cấp tất cả những gì chúng tôi cần. Các trang trại dừa tận dụng kênh nước để vận chuyển dừa tươi qua hàng nghìn mẫu đất đến nơi chế biến tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Thương hiệu CoAqua đã tăng doanh thu 400% so với cùng kỳ năm trước trên khoảng 2.500 cửa hàng bán lẻ ở Mỹ, đặc biệt là Sprouts và Wegmans. Đồng thời công ty này dự đoán sẽ tăng thêm mức phân phối sản phẩm trong ngành dịch vụ khách sạn và thực phẩm.
“Theo tôi, Việt Nam đã trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cao cấp nhờ sự chú trọng của nước này vào các biện pháp canh tác bền vững. Điều nổi bật là niềm tự hào của người dân Việt Nam trong việc sản xuất ra các loại trái cây, rau quả và các sản phẩm nông nghiệp khác có chất lượng cao nhất”, doanh nhân Cadieux kết luận.