G7 đang lo lắng về các điều khoản vay nợ của Trung Quốc

18:21 | 19/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các thỏa thuận không rõ ràng làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ lợi dụng các lỗ hổng đối với những quốc gia đang vay nợ mình.

Cuối tuần trước, khi công bố một đề xuất điều kiện cho vay để cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI), các nhà lãnh đạo G7 họp tại Cornwall, Anh quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng: họ lo lắng về ảnh hưởng địa kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới. Có rất nhiều lý do để G7 quan ngại về vấn đề này.

Thế giới vay nợ quốc gia vốn không chắc chắn về luật lệ. Các hợp đồng nợ quốc gia có rất ít khả năng thực thi (vì không dễ chiếm đoạt tài sản của một quốc gia). Các điều khoản của hợp đồng cũng rất khác nhau giữa các chủ nợ và không có thủ tục phá sản đối với các quốc gia.

Sự lo lắng về Trung Quốc với tư cách là một bên cho vay không phải là nước này đang phá vỡ các tiêu chuẩn quốc tế - Mà mối lo ngại đang dấy lên là các khoản vay của Trung Quốc sẽ khiến tình trạng của bên đi vay trở nên tệ hơn, và phải chịu áp lực chính trị của Trung Quốc.

Một nghiên cứu của nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của Ngân hàng Thế giới World Bank và những nhà kinh tế khác cho thấy rằng tính đến năm 2019, 50 quốc gia nợ Trung Quốc nhiều nhất, đã nợ Bắc Kinh gần 40% tổng số nợ nước ngoài của họ.

G7 đang lo lắng về các điều khoản vay nợ của Trung Quốc - ảnh 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh quốc Boris Johnson tại Cornwall. Ảnh: BBC.

Trung Quốc cho rằng họ đang lấp đầy một khoảng trống trên thị trường, chấp nhận cho vay rủi ro để các nước nghèo hơn có nguồn tài chính cho sự phát triển của họ. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng mình đã tự nguyện đăng ký Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ G20 (DSSI) và Khuôn khổ Chung về nợ vào năm 2020.

DSSI cho phép 73 quốc gia nghèo nhất trên thế giới tạm ngừng trả nợ cho đến cuối năm nay. Khuôn khổ Chung áp dụng cho các quốc gia giống nhau và cho phép con nợ yêu cầu cơ cấu lại khoản nợ nếu nó nằm trong chương trình cho vay của IMF và áp dụng các điều khoản tái cơ cấu giống nhau từ tất cả các chủ nợ.

Điều này được thiết kế để tránh một vấn đề hành động tập thể, theo đó một số chủ nợ giữ lại vì họ lo ngại con nợ sẽ sử dụng khoản tiết kiệm từ các khoản vay của họ để trả nợ cho các chủ nợ khác.

Các nhà phê bình cho rằng sự tham gia của Trung Quốc là một chính sách thực dụng. Khi Trung Quốc còn là một nước cho vay sơ khai vào những năm 2000, nước này có thể tự do tái cơ cấu nợ và hy vọng sẽ tránh được một khoản lớn rủi ro. Giờ đây, khi là nước cho vay chính thức lớn nhất, Trung Quốc muốn có cách xử lý có thể so sánh được, để chia sẻ tổn thất nhiều nhất có thể.

Đặc điểm của các khoản vay song phương của Trung Quốc cũng cho thấy sự không thay đổi nếu tham gia vào DSSI và khuôn khổ chung. Hai ngân hàng phát triển thuộc sở hữu nhà nước giám sát hầu hết các khoản cho vay BRI .

Đây là các tổ chức công, hoạt động giống như các tổ chức đa phương, cuối cùng phải trả lời trước Hội đồng Nhà nước ở Bắc Kinh và không thể chấp nhận thua lỗ trong một khoảng thời gian.

Dựa trên một nghiên cứu về 100 khoản vay song phương từ các thực thể Trung Quốc, tất cả các hợp đồng kể từ năm 2015 đều bao gồm điều khoản bảo mật khiến các chủ nợ, nhà đầu tư, ngân hàng hoặc người nộp thuế khác không thể xác định vị thế tài chính của quốc gia này.

Gần 1/3 các hợp đồng cho vay song phương thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, cũng yêu cầu con nợ duy trì một tài khoản ký quỹ để dùng làm bảo đảm trả nợ. Các tài khoản được tài trợ bởi nguồn thu của chính phủ hoặc bằng tiền tạo ra từ dự án được tài trợ bởi khoản vay. Điều này có nghĩa là một nguồn doanh thu đáng kể có thể được kiểm soát bởi một bên cho vay nước ngoài.

Hơn 90% các hợp đồng song phương của Trung Quốc bao gồm các điều khoản cho phép pháp nhân nhà nước chấm dứt hợp đồng và yêu cầu trả nợ nếu quốc gia nợ thực hiện một thay đổi pháp lý hoặc chính sách đáng kể.

Tất cả các hợp đồng với các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đều bao gồm các điều khoản vỡ nợ chéo, cho phép chủ nợ yêu cầu trả nợ ngay lập tức nếu người đi vay không trả được nợ cho những người cho vay khác. Những điều khoản này cho phép chủ nợ tác động đến chính sách đối ngoại hoặc đối nội của bên vay, buộc họ phải bó chặt tay trong trường hợp nợ nần chồng chất.

Cho đến nay, chúng ta có rất ít dữ liệu để chỉ ra cách Trung Quốc sẽ xử lý trong vị thế của một chủ nợ khi bên vay gặp cơn túng quẫn. Chỉ có ủy ban chủ nợ của Chad (một quốc gia Bắc Phi) đã có một số cuộc họp theo Khuôn khổ chung để đạt được sự đảm bảo từ các chủ nợ chính thức rằng họ sẽ cơ cấu lại khoản nợ.

Vì các ngân hàng chính sách của Trung Quốc phải giải trình trước Hội đồng Nhà nước, nên họ hết sức cẩn thận để kiểm tra tất cả các chi tiết trước khi đưa ra những đảm bảo như vậy. Có thể họ không có ý định gì khi tiến trình đàm phán bị thực hiện chậm chậm, nhưng con nợ càng chờ đợi lâu hơn thì họ càng cần nhiều sự giúp đỡ hơn.

Nhìn chung, không có nhiều quốc gia bị nợ nần chồng chất hơn trong 20 năm qua, ở thời điểm hoạt động cho vay của Trung Quốc tăng lên. Nhưng điều này cũng trùng hợp với thời kỳ chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dàng và thanh khoản dồi dào. Cũng không có nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc đã gây áp lực chính trị liên quan đến các khoản vay.

Nhưng trong một thế giới mới, nơi Trung Quốc được coi là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, và chừng nào các hoạt động cho vay của họ không rõ ràng và những người đi vay có thể đang phải chịu ảnh hưởng chính trị từ Bắc Kinh, thì các nhà lãnh đạo G7 có lý do để lo lắng.

 Tiệp Nguyễn