GDP Trung Quốc tăng 6,3% trong quý II/2023, thấp hơn dự báo
Mức tăng trưởng GDP 6,3% trong quý II/2023 do cơ quan thống kê của Trung Quốc công bố được đã thấp hơn mức dự báo trung bình của thị trường từ Nikkei và QUICK là 6,9%, và cao hơn mức tăng 4,5% trong quý đầu tiên năm nay. Cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc đã công bố mức tăng trưởng 0,4% trong quý II/2022 khi các hoạt động kinh doanh bị hạn chế do COVID-19.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy trong quý này, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5,2% và nhập khẩu giảm 6,9% do thương mại với các điểm đến chính bao gồm Mỹ, EU và Đông Nam Á giảm mạnh. Xuất khẩu sang Mỹ giảm 16,7%, trong khi nhập khẩu giảm 5,8%.
Các chuyên gia chung nhận định rằng sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đã bị gián đoạn bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu trong nước ảm đạm.
Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết: “Sự phục hồi của Trung Quốc đang ngày càng giảm tốc”. Theo đó, những thách thức bao gồm niềm tin của người tiêu dùng kém và cách tiếp cận chờ đợi của các doanh nghiệp không muốn tăng cường sản xuất hoặc đầu tư.
Trong một cuộc khảo sát về Triển vọng kinh doanh Trung Quốc do cơ quan xếp hạng S&P công bố ngày 16/7, niềm tin của nhà đầu tư đã giảm xuống 23% từ 34% trong tháng 2. Con số này cũng thấp hơn mức 28% ở cấp độ toàn cầu.
Annabel Fiddes của S&P cho biết: “Kế hoạch tuyển dụng và đầu tư cũng bị cắt giảm so với tháng 2”, đồng thời cho biết thêm, dự kiến giá bán sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do áp lực lạm phát thấp hơn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc không tăng trong tháng 6, làm dấy lên lo ngại về giảm phát trong bối cảnh chi tiêu hộ gia đình bị hạn chế và thị trường việc làm trì trệ.
Lũy kế trong nửa đầu năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 5,5%, được hỗ trợ bởi hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn như dịch vụ lưu trú, dịch vụ thông tin. Lĩnh vực bán lẻ tăng trưởng 8,2%, so với mức 0,7% của cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ thu nhập từ dịch vụ ăn uống.
Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,8%, đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sự sụt giảm trong phát triển bất động sản đã làm giảm tốc độ tăng đầu tư vào tài sản cố định xuống 3,8%, so với 6,1% của cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức 5,3% vào cuối tháng 6.
Nhìn chung, Nikkei nhận định đà phục hồi của Trung Quốc đã yếu đi trong tháng 6. Điều này được thể hiện rõ qua mức tăng trưởng đầu tư tài sản cố định 0,4% so với tháng trước và doanh số bán lẻ tăng 0,23%, trong khi doanh số bán nhà ở tại các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải đi ngang.
Đại diện Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, áp lực lạm phát thấp sẽ chỉ là tạm thời và nhu cầu sẽ dần dần mở rộng.
Các chuyên gia và nhà đầu tư mong đợi các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng từ các cơ quan chức năng. Dù vậy, chuyên gia kinh tế Yue Su của Economist Intelligence Unit cho biết: “Chúng tôi vẫn hoài nghi về việc sẽ có thông báo về bất kỳ gói kích thích tài khóa tích cực nào. Chính phủ Trung Quốc có lẽ sẽ vẫn thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, mặc dù theo cách thận trọng. Sau khi trải qua quá trình giảm nợ đầy thách thức, chính phủ quan tâm hơn đến việc đảm bảo rằng chi tiêu hoặc đầu tư công sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến năng suất hoặc nhu cầu bền vững của hộ gia đình."
Cho triển vọng cả năm 2023, Chính phủ Trung Quốc thận trọng dự báo mức tăng trưởng khoảng 5%, sau khi tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ đạt 3% - đánh dấu mức tăng GDP yếu nhất trong nhiều thập kỷ.