Giá lợn hơi hôm nay 15/1/2021: Tăng đều cả nước, miền Bắc chạm ngưỡng 86.000 đồng/kg
Giá lợn hơi hôm nay 15/1 tiếp tục tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Mức giá cao nhất ghi nhận ở miền Bắc, lên đến 86.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Bắc
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi ghi nhận giá đi ngang ở nhiều địa phương trong ngày hôm nay. Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình… giao dịch phổ biến quanh ngưỡng 82.000 - 83.000 đồng/kg.
Còn tại Hưng Yên, giá điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg lên mốc 86.000 đồng/kg. Đây cũng là địa phương giữ vị trí dẫn đầu cả nước về mức giao dịch trong ngày hôm nay.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 82.000 - 86.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng khiến giá thịt tại các chợ cũng tăng lên. Giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Kim Liên, Thành Công, Trung Yên,… tăng khoảng từ 10.000 - 30.000 đồng/kg so với đầu tháng 1/2021, tùy loại. Các tiểu thương cho biết, giá lợn hơi tăng kéo giá lợn móc hàm tăng theo. Hiện, giá lợn móc hàm đang trong khoảng 115.000 - 120.000 đồng/kg.
Thịt lợn tăng giá vào dịp cuối năm âm lịch kéo theo những lo ngại của người tiêu dùng về hiện tượng khan hàng, sốt giá thịt lợn có thể diễn ra vào dịp Tết nguyên đán 2021. Thông thường, do nhu cầu sử dụng thịt chế biến các món bánh, giò chả tăng cao, nên cứ dịp cận Tết giá thịt lợn có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, năm nay, dù còn cả tháng mới đến tết mà giá thịt lợn đã tăng từng ngày.
Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Trung
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên được thương lái thu mua trong khoảng 75.000 - 79.000 đồng/ kg.
Quảng Nam giá thu mua heo hơi ở mức 77.000 đồng/ kg, tăng 2.000 đồng/ kg. Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Khánh Hòa giá lợn hơi ở mức 76.000 đồng/ kg, sau khi tăng thêm 2.000 đồng/ kg.
Bình Định giá lợn hơi đi ngang, 75.000 đồng/ kg. Ninh Thuận cũng cùng mức giá này sau khi tăng nhẹ 1.000 đồng/ kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại Miền Nam tiếp tục điều chỉnh tăng
Thị trường miền Nam vẫn duy trì nhịp độ tăng tốt. Giá lợn hơi miền Nam hôm nay được ghi nhận dao động trong khoảng 78.000 - 82.000 đồng/kg. Có 5 tỉnh thành cùng tăng 2.000 đồng/kg trong đó Vũng Tàu lên 81.000 đồng/kg; Sóc Trăng chạm mốc 80.000 đồng/kg; Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp mới lên mức 79.000 đồng/kg.
Trong khi đó, chỉ lên 1.000 đồng nhưng giá lợn hơi ở Cần Thơ cũng đã chạm mốc 80.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực được ghi nhận ở thủ phủ lợn hơi Đồng Nai - 82.000 đồng/kg. Còn mức giá thấp nhất khu vực 78.000 đồng được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành như: Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long.
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp tết nguyên đán Tân Sửu 2021
Chiều 14-1, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm và nguồn cung thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán 2021. Bộ này khẳng định nguồn cung thực phẩm cho dịp tết sắp tới sẽ không thiếu, kể cả trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng nhận định đây là diễn biến bình thường do nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng. Bởi thông thường hằng năm, bắt đầu vào tháng 12 âm lịch đến ngày 25-12 âm lịch, nhu cầu thịt lợn luôn tăng cao để phục vụ cho việc chế biến sâu.
“Khi nhu cầu cao thì giá thịt lợn cũng sẽ bị đẩy cao hơn. Giai đoạn trước tết Nguyên đán một tuần đến rằm tháng Giêng thì nhu cầu thịt lợn sẽ thấp hơn” - ông Trọng nói.
Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng mức giá xuất ở cửa chuồng khoảng 78.000-82.000 đồng/kg lợn hơi là hài hòa ở cả khâu sản xuất, khâu cung ứng và khâu tiêu dùng. Sắp tới giá thịt lợn sẽ nhích lên một chút nhưng chắc chắn sẽ không tăng quá đột biến như tết năm 2020. “Chúng ta hoàn toàn chủ động được nguồn thực phẩm cho ngày tết” - ông Trọng khẳng định.
Trong năm phục hồi đàn lợn sau dịch tả châu Phi, số lượng đàn lợn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, số lượng lợn của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn so với trước khi xảy ra dịch đạt 170% và đạt 164% so với đầu năm 2020.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến cuối tháng 12/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 27,3 triệu con, đạt 88,7% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 20% so với đầu năm 2020.
Đặc biệt, có 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chiếm 23% tổng đàn lợn thịt với 5,5 triệu con. Số lượng lợn của các doanh nghiệp này so với trước khi xảy ra dịch đạt 170% và đạt 164% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, 16 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có sự tăng đàn lợn đạt trên 100%, đặc biệt Bình Phước có sự tăng đàn mạnh nhất và đạt trên 1,3 triệu con, thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đạt trên 2 triệu con. Việc phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát dịch tốt đã góp phần tăng đàn lợn trong năm 2020 và đạt kế hoạch phát triển tái đàn lợn theo yêu cầu đề ra của Bộ.
Bên cạnh đó, 16 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có sự tăng đàn lợn đạt trên 100%, đặc biệt Bình Phước có sự tăng đàn mạnh nhất và đạt trên 1,3 triệu con, thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai đạt trên 2 triệu con. Việc phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát dịch tốt đã góp phần tăng đàn lợn trong năm 2020 và đạt kế hoạch phát triển tái đàn lợn theo yêu cầu đề ra của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Nguyễn Dung