Giải bài toán giúp doanh nghiệp níu chân người lao động trong mùa dịch

16:17 | 10/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều lao động tại các tỉnh phía Nam quyết định xin nghỉ việc để về quê, khiến nhiều doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn do dịch bệnh, nay lại phải đau đầu về vấn đề nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động để duy trì sản xuất

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp phía Nam, từ khi áp dụng Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp đã phải gồng mình sản xuất để đáp ứng kịp thời các đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh nhiều công nhân ở đây đã xin nghỉ việc vì nhiều lý do như về quê tránh dịch, có người ở trong khu vực cách bị cách ly, phong toả nên không đi làm được hay trong nhà máy xuất hiện ca F0 khiến công nhân lo sợ ko dám đi làm…

 “Hiện nay các doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ' hầu hết đều không đủ công nhân. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong điều kiện chỉ có được 10-30% lao động để đáp ứng những đơn hàng quan trọng”. Đây là thông tin được ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, chia sẻ trên Zing.

Tương tự, các ngành có lượng lao động lớn như dệt may, da giày, gỗ, tình trạng thiếu hụt công nhân đang diễn ra phổ biến. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra khá lâu và khi bùng phát dịch bệnh lại càng trầm trọng hơn.

Giải bài toán giúp doanh nghiệp níu chân người lao động trong mùa dịch - ảnh 1

Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người lao động bỏ việc để về quê

Ông Phương cho biết, gần 600 doanh nghiệp hội viên HAWA chủ yếu có nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây đang căng mình thực hiện đơn hàng xuất khẩu trong điều kiện nhân lực ở lại làm việc nhiều lắm cũng chỉ đạt 60 - 70%.

Cả tuần nay, bà Lâm Thuý Ái - Phó tổng giám đốc Công ty Mebipha và các doanh nhân trong Hiệp hội doanh nghiệp Tiền Giang phải làm việc ngày đêm để có được hàng nghìn phần lương thực thiết yếu gửi những người lao động Tiền Giang đang “kẹt” lại TP.HCM.

“Chỉ trong vòng 2 ngày đã có 2.000 người xin về và hơn 2.000 người xin hỗ trợ khẩn cấp. Những cuộc gọi cứ kéo dài đến 23-24h và số người cần giúp đỡ vẫn cứ tăng. Chúng tôi đã báo về tỉnh nhưng Tiền Giang hiện cũng đang là tâm dịch, lực lượng y bác sỹ quá tải nên không thể hỗ trợ đưa họ về quê”, bà Lâm Thuý Ái cho biết.

Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả đến doanh nghiệp lớn như Masan Group – đơn vị có hơn 30 nhà máy tại các tỉnh thành trên cả nước cũng đang khá khó khăn do thiếu hụt nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc cao. Một trong những nguyên nhân là việc áp dụng mô hình 3 tại chỗ có nhiều bất cập khiến một số lao động nữ không thể đáp ứng vì họ phải trông con tại gia đình.

"Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn về nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay", bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce nói và cho biết đã phải khắc phục bằng cách điều động nhân viên từ vùng khác về hỗ trợ nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh lây lan nhanh.

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện 3 tại chỗ. Tuy nhiên, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50%. Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp, nhiều người lao động tự kéo nhau về quê đang khiến doanh nghiệp đau đầu. Dự báo, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp không chỉ thiếu lao động phổ thông mà còn cả nhóm lành nghề.

Giải quyết bài toán nhân lực mùa dịch

Để giải quyết bài toán nhân lực mùa dịch, nhiều tỉnh, thành phía nam đã đưa ra nhiều chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động nhằm giữ chân họ ở lại để không làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực lâu dài.

Ngày 1/8, trao đổi với báo chí, Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi bày tỏ đồng cảm với người dân ngoại tỉnh, vì ông cho rằng người dân ở lại thành phố sẽ có những khó khăn hơn điều kiện bình thường, nhưng ông kêu gọi người dân thông cảm, chia sẻ cùng thành phố chống dịch, nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM còn cho biết, từ lâu thành phố không có chủ trương đưa người dân ngoại tỉnh về quê. Bởi, mỗi người dân đến với thành phố đều có đóng góp cho sự phát triển chung.

Giải bài toán giúp doanh nghiệp níu chân người lao động trong mùa dịch - ảnh 2

UBND TP.HCM cũng đã quyết định đưa ra gói hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí hơn 900 tỉ đồng từ ngân sách dành cho người lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động nghèo sống trong nhà trọ, khu lưu trú công nhân... Mỗi đối tượng nằm trong diện hỗ trợ sẽ được nhận 1,5 triệu đồng hoặc phần quà tương đương. Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức tập trung giải ngân với mục tiêu hoàn thành trước ngày 10/8.

Còn tỉnh Bình Dương ngày hôm qua (9/8), đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT giảm tiền nước (7% trên hóa đơn sử dụng nước sạch sinh hoạt nông thôn) cho toàn bộ người dân đang sử dụng nước sạch trên địa bàn trong tháng 8 và tháng 9/2021, trong đó có công nhân.

Trước đó, Bình Dương cũng triển khai gói hỗ trợ 260 tỉ đồng cho khoảng 500.000 công nhân nhà trọ ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội. HĐND tỉnh Bình Dương đã ra nghị quyết hỗ trợ một lần số tiền 300.000 đồng tiền nhà trọ cho tất cả công nhân nhà trọ. Hiện Liên đoàn Lao động Bình Dương đang chi tiền hỗ trợ cho công nhân bị F0 là 1,5 triệu đồng/người, công nhân F1 là 1 triệu đồng/người và F2 là 500.000 đồng/người. Sở LĐ-TB-XH Bình Dương chi tiền hỗ trợ cho 93.825 người theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, dự kiến số tiền gần 320 tỉ đồng và đến nay đã chi được cho trên 62.467 người với số tiền đã chi gần 83 tỉ đồng. Theo số liệu của Ban Quản lý  các KCN Bình Dương trong đợt tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 6 – 10/8 có 1.182 doanh nghiệp trong KCN đăng ký tiêm cho 130.540 công nhân.

Tại Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết đã triển khai chương trình “Nghĩa tình công đoàn” (từ ngày 20/7) để hỗ trợ miễn phí thực phẩm thiết yếu cho công nhân trong các khu vực bị phong tỏa. Đến nay đã hỗ trợ hơn 10.000 phòng trọ công nhân, mỗi phòng một phần thực phẩm gồm 5 kg gạo, 1 thùng mì và thực phẩm. Tổng kinh phí của chương trình hơn 3 tỉ đồng.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ tiêm vaccine cho công nhân, hiện tỉnh Đồng Nai đã phân bổ 142.203 liều vaccine COVID-19 cho các doanh nghiệp trong KCN và 26.534 liều cho các doanh nghiệp ngoài KCN. Ngày 9/8, ngành y tế Đồng Nai tiêm vaccine mũi 1 cho khoảng 8.500/42.000 CN Công ty TNHH Changshin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Trước đó, nhiều công nhân trong KCN ở Đồng Nai cũng đã được tiêm vaccine.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp Để công nhân yên tâm bám trụ sản xuất, các doanh nghiệp đã hỗ trợ triển khai test nhanh kháng nguyên sàng lọc COVID-19 hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp cho 100% công nhân. Hiện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp đã tổng hợp đề xuất của các địa phương và ban quản lý khu kinh tế tỉnh về nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân của 136 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 15.900 công nhân và đã tiêm được gần 12.700 công nhân, đạt tỷ lệ hơn 80%.

Trao đổi với Zing, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng điều quan trọng nhất lúc này để ổn định tâm lý lao động và doanh nghiệp là tiêm vaccine.

Ngoài ra, lãnh đạo VASEP cũng đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh việc hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn. Chính phủ cũng nên đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh COVUD-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.

H.A

Xem thêm: Hơn 3.000 nhà máy ở Bình Dương giữ nhịp sản xuất nhờ thực hiện “3 tại chỗ”