Giải cứu nông sản vùng dịch dịp Tết nguyên Đán: Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đã kêu gọi giải cứu nông sản cho bà con nông dân trong vùng cách ly. Tuy nhiên, quá trình giải cứu này cần nhiều chính sách hỗ trợ.
Trước diễn biến mới của dịch bệnh, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 29/1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, tình huống, giải pháp để chủ động ứng phó hiệu quả, thành công với “làn sóng mới” lây nhiễm COVID-19, bảo đảm phát hiện nhanh hơn, hành động nhanh và quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành (đặc biệt là Bộ Y tế), các địa phương, nhất là Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đã rất chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa, lương thực, sinh phẩm y tế, bảo đảm cho nhân dân được đón Tết Nguyên đán an toàn, đầy đủ, vui tươi; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã, tập đoàn kinh tế tư nhân, bảo đảm việc cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa (kể cả giải cứu nông sản cho bà con nông dân trong vùng cách ly).
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, UBND TP.Hải Dương vừa có văn bản gửi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái, người dân trên địa bàn mua đào của nông dân đang ế ẩm vì COVID-19
UBND TP.Hải Dương đã kêu gọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái, người dân Hải Dương mua cây hoa đào tết nhằm chia sẻ bớt một phần khó khăn với các hộ trồng đào.
Trong khi đó, đến ngày 1.2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương cũng đã kết nối được 23 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thu mua sản phẩm chăn nuôi cho các hộ trong vùng dịch. 6 đơn vị, doanh nghiệp đã thu mua trên 10.000 con gà đồi cho các hộ nuôi ở TP.Chí Linh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục liên hệ với các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh tập trung mua các sản phẩm cho hộ nuôi. Hệ thống thú y tỉnh Hải Dương sẽ thống kê số hộ chăn nuôi có gà, lợn xuất chuồng, số lượng, chủng loại để cung cấp cho các thương lái, chủ cơ sở giết mổ lên kế hoạch thu mua; hướng dẫn lái xe đường đi ra, vào và thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19, khử trùng phương tiện vận chuyển...
Ưu tiên việc lưu thông hàng hóa
Theo tapchicongsan.org.vn, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản trên địa bàn hai tỉnh. Bộ NN&PTNT cho rằng, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển và có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa.
Bộ NN&PTNT cho rằng cần có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển, ưu tiên việc lưu thông hàng hóa
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay, các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đã áp dụng biện pháp kiểm soát dịch nên hoạt động buôn bán khó khăn hơn, giá không cao nhưng sức mua giảm.
Việc vận chuyển hàng hóa từ trong tỉnh ra ngoài tỉnh tiêu thụ gặp khó do các tỉnh lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt để ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19. Đây là điều khiến cho việc vận chuyển hàng hóa của Hải Dương, Quảng Ninh đi các tỉnh rất khó khăn.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản chính của Hải Dương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, bắp cải, rau ăn lá, ổi, cam, chuối… của Hải Dương), tuy nhiên, các địa phương này đang cấm tất cả các phương tiện và người Hải Dương vận chuyển hàng hóa, đi vào địa bàn, do vậy, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương và tiếp xúc với người Hải Dương. Thêm nữa, các doanh nghiệp tiêu thụ, thương lái của tỉnh khác không muốn đến Hải Dương để thu mua nông sản vì lo ngại vùng dịch và phải cách ly khi quay về.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện việc lưu thông hàng hóa qua một số tuyến đường gặp khó khăn (đặc biệt hàng hóa qua Chí Linh đi Bắc Ninh, Bắc Giang). Lái xe tìm cung đường khác để đưa hàng hóa đi tiêu thụ nên tăng chi phí vận chuyển. Do vậy, nhiều công ty, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm sản lượng tiêu thụ ở ngoài tỉnh để chờ khi hết dịch mới hoạt động bình thường trở lại.
Trong khi đó, thống kê cho thấy, hiện nay, tại Hải Dương, diện tích rau màu đang còn 7.832ha (chiếm 35%), chủ yếu là hành, tập trung ở Kinh Môn, khoảng 3.500ha, cà rốt tại Nam Sách còn 350ha, Giẩm Giàng 400ha, Chí Linh 150ha. Riêng cải bắp, su hào, súp lơ ở Gia Lộc còn khoảng 200ha, Tứ Kỳ còn khoảng 200ha, Kim Thành còn khoảng 400ha rau cải bắp su hào, súp lơ và rau ăn lá các loại.
Tại Quảng Ninh, diện tích rau màu còn lại chưa thu hoạch còn trên 2.000ha các loại gồm: khoai tây, ngô, rau các loại với sản lượng khoảng 30 nghìn tấn.
Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, qua khảo sát cho thấy, giá nông sản (rau, củ quả) bị giảm khoảng từ 10-20% so với trước khi bùng phát dịch. Trong đó, khảo sát ngày 31/1/2021 ghi nhận: giá cà rốt từ 6-5,5 nghìn đồng/kg; cải bắp 4 nghìn đồng/kg, súp lơ 4-5 nghìn đồng/cái, su hào 2-5 nghìn đồng/củ, hành 9,5 nghìn đồng/kg,…
Bộ NN&PTNT nhận định, tác động của dịch COVID-19 sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp của một số gia đình trong vùng dịch. Trong đó, với những gia đình thuộc diện F1 phải cách ly tập trung, sẽ bị ảnh hưởng lớn do không có ai chăm sóc, thu hoạch.
Về vấn đề tiêu thụ nông sản, khó khăn nhất là các mặt hàng về cà rốt, khoai tây, vì đây là những loại nông sản có sản lượng lớn, mức độ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước không được nhiều, chỉ chiếm 10%, chủ yếu là xuất khẩu, tới 90%. Tuy nhiên, kho bảo quản trong tỉnh có hạn. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trước Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc tiêu thụ cà rốt không đáng lo. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Với nhóm rau ăn lá, sản lượng không quá lớn, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và một số địa phương lân cận nên không đáng lo.
Bộ NN&PTNT lưu ý, đối với các địa phương đang bị phong tỏa, cụ thể, đối với cây hành, tỏi (tại Kinh Môn, Chí Linh), thời điểm thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán để giải phóng đất cấy lúa, cần ưu tiên thu hoạch và bảo quản tại nông hộ để chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Với các loại rau, màu cần tiêu thụ ngay, ưu tiên tiêu thụ các cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ trong tỉnh như: siêu thị, nhà máy chế biến, chợ. Đối với cây cà rốt, thu hoạch từ nay đến cuối tháng 3 năm 2021, với những diện tích củ còn nhỏ, khuyến khích giữ lại ruộng, tiếp tục chăm sóc để chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Với những diện tích đã đến kỳ thu hoạch, chú ý tiêu thụ tại các doanh nghiệp trong tỉnh (các nhà máy tập trung ở Cẩm Giàng, Gia Lộc). Sau khi sơ chế, đóng gói, mang đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có phương án chuyển tải hoặc đổi lái (ở khu vực cửa ngõ tỉnh) và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Ngoài ra, đối với các nhóm rau, củ, quả khác, ưu tiên tiêu thụ tại chợ và các bếp ăn công nghiệp, các khu cách ly tập trung, các nhà máy, trang trại trên địa bàn. Nếu cần thiết vận chuyển ra ngoài khu cách ly hoặc ngoài tỉnh, phải có phương án chuyển tải hoặc đổi lái (ở khu vực cửa ngõ tỉnh) và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản tại các vùng đang bị phong tỏa, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh cần có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển và có văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận Hải Dương, Quảng Ninh như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định… tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Hải Dương được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ. Trong đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo lái xe và các đơn vị vận tải trên địa bàn áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch khi vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh để tiêu thụ. Đồng thời, đề nghị ngành Y tế ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để các lái xe có thể lái xe, vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ưu tiên thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương trên địa bàn. Hạn chế tối đa việc nhập hàng hóa nông sản ngoài tỉnh đưa vào địa bàn tiêu thụ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phát động phát động đoàn thể, nhân dân hỗ trợ các gia đình có người bị cách ly để chăm sóc và thu hoạch rau màu khi đã đến kỳ thu hoạch.
Giải quyết ách tắc nông sản trước tiên cần giải quyết ách tắc thông tin
Tờ nongnghiep.vn cho rằng để giải cứu nông sản trong vùng dịch, trước hết giải quyết ách tắc thông tin.
Hải Dương kêu gọi người dân trên địa phận tỉnh giải cứu đào Tết
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, khẳng định: Phương án lưu thông nông sản phải thường xuyên chứ không phải là giải pháp nhất thời. Tình hình giãn cách xã hội ở một số địa phương hiện nay đã ảnh hưởng đến cả người mua lẫn người bán nông sản.
Đối với người mua đó là tâm lý e ngại nông sản từ vùng dịch, e ngại việc đến những vùng có dịch để buôn bán, mặc dù chưa hẳn đã bị cấm. Thậm chí có những trường hợp đã đặt cọc rồi nhưng do tình hình dịch bệnh, sức mua giảm nên họ đã chọn giải pháp an toàn hơn là rút tiền cọc.
Đối với người bán ở các vùng sản xuất có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, mặc dù nhà nước không ngăn cản tuy nhiên do tâm lý người đi mua ngại đến, hoặc có những địa phương khắt khe, cứng nhắc trong vấn đề kiểm soát đi lại nên tình hình trở nên hết sức khó khăn.
Đặc biệt đối với các mặt hàng như đào, quất, hoa hỏa làm cả năm trông chờ vào phục vụ dịp tết lại càng khốn đốn, nguy cơ mất trắng là rất rõ ràng vì không không có người mua.
“Vấn đề ở đây tôi nghĩ là nằm ở tư duy phương pháp đối phó dịch bệnh và ách tắc thông tin”, bà Thực nói.
Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang cho rằng, không phải đến thời điểm này mới phải bàn mà vấn đề nông sản cần phải có phương án, giải pháp thường xuyên.Thị trường nông sản của mình phần nhiều vẫn nhỏ lẻ và kinh doanh đang thiếu kế hoạch, không có nguồn lưu trữ và không có thông tin.
Chúng ta nói nhiều đến chi phí trung gian, đến chênh lệch giữa giá người bán và giá đến tay người tiêu dùng thì mấu chốt vẫn ở chỗ thiếu thông tin mà thôi.
Ví dụ, khi bùng phát dịch, nhu cầu mua vẫn có, một cành đào cắm lọ ở chợ Hà Nội vẫn có giá hàng trăm nghìn trong khi đào ở các vùng sản xuất đang có nguy cơ phải chặt bỏ. Tức là cung và cầu đều có và vấn đề ở đây là khâu lưu thông đang bị ách tắc.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng giải pháp phải là chính quyền các địa phương cần có những phương án hỗ trợ người sản xuất khi bùng phát dịch. Ví dụ một xã vùng trồng đào có thể bị cách ly không có nghĩa là nội bất xuất ngoại bất nhập, không có nghĩa là chỉ tập trung đảm bảo phương án an toàn cho con người mà cần phải có phương án giải cứu nông sản, kinh tế của họ”, bà Thực nói.
Trước hết cần phải thông tin rằng vùng đào đó số lượng còn bao nhiêu, giá cả như thế nào để thông tin đến người mua. Thứ hai là cần thực hiện các biện pháp đảm bảo việc mua bán vẫn có thể thực hiện, tất nhiên là phải đảm bảo an toàn.
Người dân trong vùng cách ly vẫn có thể sản xuất, vẫn có thể thu hoạch, vận chuyển lên xe nếu thực hiện tốt các biện pháp khử trùng. Người mua cũng vậy, xe cộ vận chuyển cũng vậy, virus nguy hiểm đấy nhưng có phải nó nằm sẵn ngoài đồng, ngoài đường đợi người đến để bám vào đâu.
Cho nên chính quyền các địa phương cần linh hoạt bố trí thực hiện các biện pháp vừa đảm bảo an toàn vừa hỗ trợ điều kiện tối đa cho nông sản có thể lưu thông. Còn như hiện tại người dân vẫn tự quây nhau, kêu gọi giúp nhau trên facebook như thế là không chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp cũng tính đến các phương án thu mua giúp bà con nhưng ai thu hoạch, ai vận chuyển đi lại là cả một vấn đề.
“Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là một cơ hội để chúng ta số hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Nhà nước cần có thống kê, dữ liệu thời vụ, thị trường, chất lượng, giá cả, cần có sự quan tâm đến người dân, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của người dân, xem thử họ trồng thế này thì bán ở đâu…”, bà Thực nói.
Minh Hoa
Xem thêm: