Giải mã nghi vấn 90% xe đạp điện đang lưu hành ở Việt Nam là hàng lậu
Theo một thống kê chưa chính thức, có đến 90% xe đạp điện và linh kiện xe đạp điện ở nước ta hiện nay là không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Trong nhiều năm qua, xe đạp điện và xe điện trở thành phương tiện giao thông khá phổ biến ở nước ta. Các loại xe này tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên và người cao tuổi. Nhưng cho đến nay, thị trường xe đạp điện, xe điện và linh kiện vẫn tràn lan hàng lậu, hàng giả hàng nhái. Vấn đề này gây thiệt hại không nhỏ cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng lẫn thất thu tiền thuế của Nhà nước.
Chia sẻ với báo chí, CEO hãng xe điện Pega ông Đoàn Ngọc Linh cho biết ước tính hiện nay ở Việt Nam, có tới khoảng 90% xe đạp điện và các loại linh kiện xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Con số này được tính dựa trên số liệu từ các cơ quan quản lý và sản lượng hàng năm. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2019 có tổng 52.938 chiếc xe đạp điện được 11 doanh nghiệp nội địa sản xuất, lắp ráp. Lượng xe đạp điện nhập khẩu rất ít, chỉ 40 xe. Nhưng thực tế số lượng xe đạp điện phải lên đến hàng trăm ngàn xe đang lưu thông mỗi ngày trên đường từ thành thị tới nông thôn.
Xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện quen thuộc của học sinh hiện nay (Ảnh: Báo Lao động)
Đối với xe máy điện và xe 50cc thì con số xe không rõ nguồn gốc thấp hơn vì phải đăng ký và làm biển số. Năm 2019 cơ quan quản lý cấp khoảng 700.000 tem kiểm định xe đạp, xe máy điện và 50cc. Lượng xe máy điện sản xuất trong năm là 237.742. Còn con số thực tế xe trên thị trường phải lên tới 1 triệu xe. Các mẫu xe nhập lậu thường đi theo đường tiểu ngạch nhập lậu, hoặc xe sản xuất trong nước nhưng không có đăng kiểm và đăng ký.
Chủ một hãng xe điện khác cho biết tổng số lượng xe máy, xe đạp điện tại Việt Nam hiện nay là khoảng hơn 5 triệu chiếc, tương đương với tầm 5% tổng lượng xe 2 bánh gắn máy đang lưu thông. Thị trường xe máy, xe đạp điện vẫn còn dư địa phát triển rất tốt. Tốc độ tăng trưởng của ngành xe điện hiện ở mức 35 đến 40% mỗi năm.
Xe đạp điện và linh kiện xe điện lậu ẩn chứa rất nhiều nguy cơ nguy hiểm, thậm chí là cháy nổ, mất an toàn giao thông. Người trong ngành cho biết xe lậu đa phần đều nhái thiết kế mẫu xe đang bán chạy ở Việt Nam và thị trường quốc tế.
Xe đạp điện bán trên kênh TMĐT với giá rất rẻ chỉ vài triệu đồng
Nhưng chúng hoàn toàn không có gì đảm bảo chất lượng vì không được ai quản lý. Vì chạy theo giá cạnh tranh chỉ khoảng 6 – 12 triệu đồng với xe đạp điện và 14 – 20 triệu đồng với xe máy điện nên chủ yếu xe lậu dùng linh kiện giá rẻ. Để so sánh tham khảo thì các hãng xe chính thống có thương hiệu hiện nay bán xe máy điện với giá từ 20 – 50 triệu đồng. Hiện xe đạp điện, xe máy điện không rõ xuất xứ được bán tràn lan rất nhiều cả ở các cửa hàng truyền thống lẫn sàn thương mại điện tử.
Sau khi truyền thông có những phản ánh về việc "loạn" thị trường xe đạp điện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Bộ Công an nghiên cứu, xử lý vấn đề.
Kim Chi