Thị trường chứng khoán chờ bất ngờ từ phiên giao dịch T+2

Văn Giáp 08:47 | 28/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tuần tới (từ 29-31/8), thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức áp dụng giao dịch cổ phiếu T+2 thay vì T+3 như trước đây, điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường.
 

Tuần từ 22-26/8 là tuần thứ 7 liên tiếp chỉ số VN-Index tăng điểm, chuỗi tăng dài nhất theo tuần kể từ đầu năm 2021.

Trong 3 tuần gần đây, tuần này thị trường có mức tăng mạnh nhất và thanh khoản cũng được cải thiện, liên tiếp 3 phiên vừa qua thanh khoản đều tăng.

Đáng chú ý, tuần tới (từ 29-31/8) sẽ chính thức áp dụng giao dịch cổ phiếu T+2 thay vì T+3 như trước đây. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Chờ đợi bất ngờ từ T+2

Các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết thị trường giảm nhẹ vào phiên đầu tuần, nhưng sau đấy là 3 phiên hồi phục liên tiếp giúp cho chỉ số VN-Index lấp hoàn toàn khoảng trống giảm giá (gap down) trong khoảng 1.260-1.285 điểm, trước khi điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần dưới áp lực bán khá mạnh khi chỉ số hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 22-26/8), VN-Index tăng 13,39 điểm lên 1.282,57 điểm, HNX-Index tăng 1,56 điểm lên 297,94 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm nhẹ 3,6% so với tuần trước đó xuống 75.507 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,2% xuống 2.920 triệu cổ phiếu.

Giá trị giao dịch trên HNX tăng 18,7% so với tuần trước đó lên 9.602 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 8,5% lên 456 triệu cổ phiếu.

Với mức tăng điểm trên cả hai sàn, gần như toàn bộ các nhóm ngành đều tăng trưởng trong tuần qua. Chỉ có nhóm dược phẩm và y tế giảm nhẹ 0,2% giá trị vốn hóa khi sự quan tâm của nhà đầu tư đối với nhóm này đang thấp dần, trong bối cảnh thị trường hồi phục tuần thứ 7 liên tiếp.

Dòng tiền có xu hướng rút khỏi các cổ phiếu có beta (hệ số đo lường mức biến động hay còn gọi là thước đo rủi ro hệ thống của một cổ phiếu trong tương quan với toàn bộ thị trường chứng khoán) thấp ở thời điểm này.

Tích cực nhất trong tuần qua là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 5,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do đà tăng mạnh của các cổ phiếu bán lẻ, có thể kể đến như: MWG tăng 12,6%, PET tăng 7,9%, FRT tăng 3,4%, PNJ tăng 3,3%, DGW tăng 3%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 2,4% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ đà tăng của các cổ phiếu hóa chất như DCM tăng 10,8%, DPM tăng 9,8%, LAS tăng 7,6%, DGC tăng 3,3%...

Những ngành còn lại đều tăng nhẹ như dầu khí tăng 1,7%, ngân hàng tăng 1,2%, hàng tiêu dùng tăng 0,8%, công nghiệp tăng 0,6%, công nghệ thông tin tăng 0,3%...

Khối ngoại quay trở lại bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 452,38 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, KBC là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất, đạt 4 triệu cổ phiếu.

Tiếp theo là SSI bị bán ròng 3,7 triệu cổ phiếu và HPG với 3,5 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PVD là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất, đạt 6,4 triệu cổ phiếu.

SHS cho rằng thị trường vẫn duy trì tăng điểm nhưng sự thận trọng, áp lực bán ngắn hạn đang gia tăng mạnh hơn sau 7 tuần tăng điểm. Thể hiện qua áp lực điều chỉnh tăng ở nhiều mã với thanh khoản gia tăng trên mức trung bình trong phiên giao dịch cuối tuần 26/8/2022, trước khi vòng xoay T +2 bắt đầu.

Cụ thể, vào phiên giao dịch tới 29/8, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chính thức áp dụng rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 (T+1,5) thay vì T+3 như hiện tại.

Cùng với đó, thời gian hoàn tất thanh toán tiền và chứng khoán sẽ được điều chỉnh từ 15h30-16h ngày T+3 lên 11h-11h30 ngày T+2. Điều này được giới phân tích nhận định sẽ giúp rủi ro về mặt thông tin biến động trong thời gian nhà đầu tư đợi chứng khoán về tài khoản giảm bớt so với trước đây.

Việc áp dụng T+2 cũng tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư ngoại vào các cơ quan quản lý đang nỗ lực đưa thị trường chứng khoán Việt Nam dần tiếp cận những tiêu chuẩn thị trường tiên tiến, hướng đến việc nâng hạng thị trường. Bên cạnh đó, khi thời gian chứng khoán về tài khoản được rút ngắn, vòng quay giao dịch sẽ nhanh hơn, góp phần tăng thanh khoản.

Trong thông báo về việc thay đổi thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá việc rút ngắn chu kỳ thanh toán là một tín hiệu tích cực cho thanh khoản và các thành viên tham gia thị trường.

Việc chứng khoán về tài khoản nhanh hơn giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong chiến lược đầu tư, kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu rủi ro. Về phía công ty chứng khoán có thể gia tăng doanh thu phí dịch vụ từ kỳ vọng thanh khoản thị trường được cải thiện.

VDSC kỳ vọng chu kỳ giao dịch T+1,5 kết hợp với việc số dư tiền gửi trong tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán đang ở mức cao và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy (margin) đang ở mức thấp có thể giúp giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE đạt mức 17.000-19.000 tỷ đồng/phiên trong những tháng cuối năm, cải thiện ít nhất 20% so với hiện tại.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn. Thị trường vẫn đang trong một nhịp hồi phục sau khi đã ghi nhận xu hướng lao dốc mạnh trong giai đoạn quý 2 năm nay.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm 2 tuần liên tiếp

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp đi lên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới là Mỹ giảm điểm 2 tuần liên tiếp.

 

Chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên giao dịch ngày 26/8, qua đó ghi nhận thêm một tuần giảm điểm nữa, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones khép lại phiên này ở mức 32.283,40 điểm giảm 3%, mức giảm phần trăm trong ngày lớn nhất kể từ phiến 18/5. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng giảm 3,4% xuống 4.057,66 điểm, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ ngày 13/6. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 3,9% xuống 12.141,71 điểm, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ ngày 16/6.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 4,2%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 4%, còn chỉ số Nasdaq mất 4,4%. Như vậy, đây là tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp của cả ba chỉ số này, theo số liệu của Dow Jones Market Data.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Jackson Hole, ông Powell đã cố gắng đẩy lùi mọi hy vọng về một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn bằng cách khẳng định rằng Fed sẽ kiên định với cuộc chiến chống lạm phát của mình, kể cả khi cuộc chiến này có thể khiến các hộ gia đình Mỹ phải chịu một số thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn.

Trước khi ông Powell đưa ra các bình luận trên, thị trường đã đón nhận một loạt số liệu kinh tế mới; trong đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã giảm 0,1% trong tháng Bảy so với tháng trước đó, trong khi thu nhập cá nhân tăng 0,2% trong tháng trước, và chi tiêu tiêu dùng tăng ít hơn dự đoán ở mức 0,1%.

Bên cạnh đó, Đại học Michigan cũng công bố kết quả khảo sát về tâm lý tiêu dùng, cho thấy dự báo của người tiêu dùng về nền kinh tế đã cải thiện trong tháng Tám, trong khi các dự đoán về lạm phát trong trung và dài hạn cũng tiếp tục hạ nhiệt.