Giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã trong chuỗi cung ứng hàng hóa
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thể hiện rõ vai trò trong chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19.
Để ứng phó, tăng khả năng chống chịu và giảm thiệt hại trong mùa dịch, các hợp tác xã đã sử dụng quỹ dự phòng để trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động.
Đồng thời, ứng dụng công cụ trực tuyến để quản trị, hỗ trợ người lao động phương tiện phòng, chống dịch; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và sử dụng nguồn dự phòng tài chính để trang trải.
Xã viên Hợp tác xã rau an toàn Văn Đức đóng gói sản phẩm rau-quả để cung cấp cho các siêu thị Thủ đô trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tuy vậy, trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn; trong đó, có tới 90% hợp tác xã bị giảm doanh thu, lợi nhuận; thu nhập của người lao động và thành viên gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ trong tình hình hiện nay không thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh như: các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, tuần hàng nông sản…; việc tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã, các địa phương và bộ, ngành thiếu nguồn lực để hỗ trợ hợp tác xã.
Trước những khó khăn trên, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho hay, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác đã và đang huy động mọi nguồn lực để chống chịu, giảm thấp nhất thiệt hại và số lượng hợp tác xã ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, các hợp tác xã tiếp tục phát triển đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Từ đó, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Đặc biệt, các hợp tác xã cần củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay và khi dịch COVID-19 được ngăn chặn và đầy lùi.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị các địa phương và các ngành chức năng khẩn trương khôi phục, duy trì các chuỗi cung ứng thị trường tiêu dùng và sản xuất trong nước, xuất khẩu; hỗ trợ các hợp tác xã và thành viên duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đề nghị các địa phương có thông tin thường xuyên và kịp thời về sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tồn kho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 cho thành viên và người lao động tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, giữ vệ sinh môi trường; cán bộ, nhân viên của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh như: tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm và nông sản thiết yếu khác; hợp tác xã vận tải đường thủy, vận tải đường bộ.
Cùng đó, các ngành chức năng thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của nhà nước từ chính sách tài khoá với lãi suất thấp (3%/năm).
Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi cho các hợp tác xã vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động làm việc trong hợp tác xã; xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp; hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Trước phản ánh của các doanh nghiệp bao gồm cả khu vực hợp tác xã tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp diễn ra ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định thời gian tới, Chính phủ sẽ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ các khu vực này trong lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ./.