Hợp tác xã thích ứng với thị trường qua chuyển đổi số
Đây là xu thế tất yếu hướng đến mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh cũng như sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả kinh doanh, hanh toán nhanh, gọn, chính xác...
Vì vậy, chuyển đổi số được ví như công cụ phục vụ đắc lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chuyển mình để phát triển nhanh và bền vững.
Còn nhiều hạn chế
Là một trong những hợp tác xã có quy mô toàn dân gồm 2.852 hộ thành viên và 3.566 cổ phần, Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất từ 170- 200 ha giống lúa lai F1 theo chuỗi giá trị, lợi nhuận cao từ 2,5-3 lần so với lúa thương phẩm.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị của sản phẩm từ lúa gạo, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống dây chuyền máy chế biến bánh tráng, gạo và phát triển thương hiệu “Bánh tráng Đại Lộc, Gạo an toàn Ái Nghĩa” tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Được UBND tỉnh chứng nhận Gạo an toàn Ái Nghĩa đạt OCOP 3 sao, Bánh tráng Đại Lộc của hợp tác xã đạt OCOP 4 sao và được tôn vinh trong Top sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc.
Đặc biệt, hai sản phẩm này hiện được bán tại các cửa hàng sạch, siêu thị mini, siêu thị BigC Đà Nẵng, BigC TP Hồ Chí Minh và thị trường ngày càng được mở rộng do chất lượng tốt, bao bì mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hợp tác xã còn duy trì tốt các dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh đầu vào đáp ứng nhu cầu cơ bản của thành viên vừa tạo điều kiện tốt cho kinh tế hộ phát triển. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh theo hướng tập trung với qui mô lớn hơn và hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Trương Cẩm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng nông nghiệp thông minh để vượt qua những tác động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giúp tăng doanh thu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ sở vật chất, thiết bị còn lạc hậu, quy mô chưa lớn, chất lượng sản phẩm chưa thực sự ổn định. Hơn nữa, nhận thức của người nông dân và người tiêu dùng còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số trong chuỗi giá trị sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng nằm trong guồng quay chuyển đổi số, Hợp tác xã Best One thành lập năm 2021, tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ chuyên sản xuất sản phẩm từ cây nhàu.
Hiện tại, hợp tác xã đã sản xuất, chế biến ra nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu, muối chườm thảo dược; trong đó, bột nhàu được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Best One chia sẻ, ứng dụng chuyển đổi số, hợp tác xã đã chọn hướng đi để lan tỏa sản phẩm nhàu đến thị trường chủ yếu bằng phương pháp online, thương mại điện tử. Vì thế, hợp tác xã đã xây dựng trang website “nonibestone.com” và đây được xem là tài sản vô hình của thương hiệu.
Theo bà Bùi Thị Tuyết Nhung, thông qua website này, hợp tác xã đã thường xuyên cập nhật tin tức liên quan đến khởi nghiệp, vùng nguyên liệu, sản xuất, quảng bá sản phẩm nhằm tăng uy tín của trang điện tử và đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hoá.
Cùng với đó, hợp tác xã còn đăng ký, bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo; chăm sóc, quảng bá bán hàng trên các kênh Facebook, Zalo, Tiktok, Google Map, Youtube. Đặc biệt, xây dựng hệ thống bán hàng online thông qua nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc.
Đánh giá về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam khẳng định: Đây là quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử và được Liên minh Hợp tác xã tỉnh khuyến khích các hợp tác xã áp dụng và bước đầu bắt nhịp thị trường.
Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã tham gia tiến trình chuyển đổi số còn ít, chưa quy củ. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của công việc này. Hơn nữa, năng lực, trình độ về số hóa, công nghệ thông tin của cán bộ quản lý hợp tác xã hạn chế, hạ tầng liên quan còn lạc hậu.
Thích ứng để phát triển
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre An Khê (Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cho hay trước đây hợp tác xã phải mua máy chẻ mây của Đài Loan (Trung Quốc) hay Singapore nhưng mỗi máy chỉ chẻ từ 1 đến 2 cỡ mây và nếu chẻ nhiều cỡ thì độ chính xác không cao dễ bị hỏng máy. Do đó, từ kinh nghiệm thực tế tích lũy qua nhiều năm, hợp tác xã đã mạnh dạn cải tiến kỹ thuật đầu tư sản xuất máy móc thiết bị trong nước.
Một máy chẻ được nhiều loại cỡ mây, nhiều loại dao và sản phẩm nguyên liệu như ý muốn, giảm chi phí, tiết kiệm được nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm và đạt tiêu chuẩn về chất lượng và thẩm mỹ theo yêu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, hợp tác xã cũng còn áp dụng nhiều công nghệ khác như lò luộc mây theo công nghệ mới, chế tạo lò sấy mini để đáp ứng yêu cầu cơ động, di chuyển linh hoạt; đầu tư xe xúc lật và thay đổi một chút cơ cấu thành xe nâng và vận chuyển nguyên liệu mây, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và tạo uy tín cho hợp tác xã.
Theo ông Nguyễn Hoàng, hiện nay hợp tác xã làm việc chủ yếu qua qua điện thoại, Email, Zalo, Messenger, Facebook, Whatsapp, phần mềm kế toán riêng, chữ ký số, hóa đơn điện tử cũng như sử dụng các dịch vụ vận chuyển nhanh, vận chuyển đường dài nội bộ; ứng dụng vào việc chuyển đổi số để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, những năm qua đã có hàng trăm mô hình ứng dụng công nghệ số do nông dân làm chủ được hình thành, mang lại hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Từng là một trong những hợp tác xã tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, ông Đặng Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ thông tin Huế (Thừa Thiên Huế) cho hay: "Sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật số sẽ giúp người nông dân, hợp tác xã và ngành nông nghiệp bắt nhịp cùng thị trường quốc tế".
Để làm được điều này, hợp tác xã đã chủ động nghiên cứu các phần mềm ứng dụng để triển khai vào cả hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn như phần mềm kế toán hợp tác xã; phần mềm quản lý điện năng, quản lý nước, quản lý môi trường, quản lý chợ, quản lý trực đêm.
Hơn nữa, hợp tác xã còn xây dựng các website tương tác, cổng thông tin hợp tác xã tích hợp các phần mềm nghiệp vụ, sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác.
Nhờ các nghiên cứu của hợp tác xã, rất nhiều hợp tác xã đã được ứng dụng các phần mềm thông minh trong việc quản lý nhân sự, thuế, trồng và chăm sóc để thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho cây trồng.
Qua đó, các hợp tác xã cũng tiếp cận với nhiều tổ chức, cá nhân qua mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm mà không cần gặp mặt trực tiếp người mua… như cách làm truyền thống.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Không những thế, các hợp tác xã đã bắt đầu phòng chống cháy rừng bằng thiết bị viễn thám; thực hiện kế toán qua các phần mềm; chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; chào bán sản phẩm qua điện thoại thông minh nhằm bắt nhịp công nghệ số trong mọi quy trình sản xuất.
Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam, hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng, ứng dụng chuyển đổi số là xu thế tất yếu để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.
Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tăng cường định hướng, tư vấn và tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên hợp tác xã. Cùng với đó, lựa chọn hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nắm bắt nhanh về công nghệ thông tin và cán bộ có năng lực, tâm huyết nhằm xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ số gắn với sản phẩm chủ lực để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: để đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số, Liên minh sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hợp tác xã theo từng bước cụ thể.
Cùng đó, sắp tới Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tổ chức “Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung- Tây Nguyên lần thứ nhất, gắn với Năm du lịch Quốc gia Quảng Nam-2022” nhằm hướng tới xây dựng hành lang pháp lý, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã khu vực miền Trung-Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.